Điều này khiến cây chuối suy kiệt, trái chuối nhỏ không đạt chuẩn nên chủ vườn bị thương lái ép giá, thậm chí không thể xuất bán.
Dân nói chuối cháy lá, thối rễ do phân bón
Phản ánh về việc này, ông Trần Phú Quốc (45 tuổi, ngụ xã Thanh Bình) cho biết gia đình ông có khoảng 4,7ha chuối cấy mô bị thiệt hại nghi do phân bón giả.
Theo ông Quốc, khoảng tháng 8-2023, ông tới cửa hàng vật tư nông nghiệp T.T. (ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình) mua phân bón. Trên bao bì ghi thông tin phân bón NPK 20-20-15, 100% nguyên liệu ngoại nhập…
Sau khi bón phân được 10 ngày, cây chuối hầu như không phát triển như mong muốn.
Sau đó, ông tiếp tục bón phân đợt hai thì cây có hiện tượng cháy rễ, cháy lá, teo cây, nứt gãy thân và gốc…
Lo lắng cho vườn chuối của gia đình, ông Quốc chụp hình, quay phim gửi cho đại lý cám. Tuy nhiên, phía đại lý trả lời do bệnh chứ không phải do phân bón.
Dù ông Quốc tốn hàng chục triệu mua phân bón và thuốc phun xịt cứu vườn chuối nhưng không hiệu quả. Chuối suy kiệt khiến chất lượng không đạt chuẩn nên rất khó tiêu thụ, gây thiệt hại nặng.
Tương tự, anh Trần Văn Tuấn (33 tuổi, ngụ xã Thanh Bình) cho hay có khoảng 7-8ha chuối. Trong đó, có một vườn chuối rộng khoảng 1,3ha sử dụng phân bón của đại lý trên. Sau khi bón phân được một thời gian, anh Tuấn phát hiện chuối bị cháy lá, thối rễ.
Nghi do thời tiết, sâu bệnh nên anh Tuấn đổ tiền cứu vườn chuối, bón thêm phân. Thế nhưng cây chuối ngày càng suy kiệt, lá cháy quắn lại. "Nhà tôi có 7-8ha chuối. Các vườn khác phát triển rất tốt, đủ sản lượng nhưng riêng miếng này (diện tích 1,3ha) lấy phân bón của T.T. thì bị vậy", anh Tuấn nói.
Nghi ngờ phân bón giả, một số hộ dân tự lấy mẫu đem đi thử nghiệm hai lần ở hai nơi khác nhau. Kết quả, hai trong ba chỉ số chất lượng thấp hơn rất nhiều so với công bố trên bao bì.
Chờ kết quả thử nghiệm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hữu An - chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai - cho hay tháng 12-2023, thanh tra sở nhận được đơn của hai hộ dân phản ánh vườn chuối bị thiệt hại sau khi bón phân NPK của cửa hàng T.T.
Khi mời hai hộ dân này lên làm việc, qua hình ảnh người dân cung cấp, đánh giá chuyên môn cho thấy chuối bị ảnh hưởng của bệnh chứ không xác định nguyên nhân do phân bón.
Sau đó, thanh tra sở thành lập đoàn liên ngành đến vườn chuối của người dân ghi nhận thực trạng. Thời điểm kiểm tra, người dân đang thu hoạch chuối, đóng gói sản phẩm bán. Các hộ dân vẫn còn giữ một số bao phân bón.
Đoàn liên ngành đã lấy mẫu phân bón gửi đi thử nghiệm. Đồng thời, lấy mẫu thân cây chuối, đất dưới gốc cây gửi phân viện của Trường đại học Nông Lâm để xác minh nguyên nhân cây trồng bị ảnh hưởng.
Theo ông An, việc phân tích nguyên nhân chuối bị thiệt hại cần 15-20 ngày. Khi có kết quả, thanh tra sở sẽ thông báo kết quả rộng rãi đến mọi người.
Chủ cửa hàng phân bón chủ động đề nghị thanh tra
Ông An cho biết trước khi nhận đơn của người dân, chủ cửa hàng T.T. trực tiếp đến thanh tra sở gửi đơn tường trình về vụ việc này.
Theo đó, chủ cơ sở cho rằng đã bán phân bón từ nhiều tháng trước nhưng mãi đến lúc thu hoạch người dân mới phản ánh là chưa phù hợp. Do đó, chủ cơ sở đề nghị thanh tra sở vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu phân bón. Từ kết quả đó, cửa hàng có cơ sở trả lời người dân cũng như "trả lại uy tín cho cửa hàng".
Thanh tra sở cùng các lực lượng chức năng liên quan của huyện Trảng Bom đến cửa hàng T.T. kiểm tra. Thời điểm kiểm tra, tại cửa hàng còn hơn 3 tấn phân bón NPK 20-20-15. Chủ cơ sở đã cung cấp đầy đủ hồ sơ nguồn gốc sản phẩm.
Cường chỉ đạo nhân viên thuê công nhân đến công ty, sử dụng các loại nguyên liệu do Cường mua rồi pha trộn phân bón theo tỉ lệ do Cường lập sẵn, tạo ra các loại phân bón urea, DAP, NPK, kali miểng 61%.