Quan điểm trên được ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm 2023, ngày 4/1. Theo ông, tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến không thuận lợi cho ngành hàng hải khiến sự cạnh tranh khốc liệt. Do vậy, VIMC sẽ phải nỗ lực cao ngay từ những ngày đầu năm để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Các yếu tố như hạn hán tại kênh đào Panama, những cuộc tấn công lên các tàu thuyền thương mại liên tục leo thang ở khu vực biển Đỏ, kênh đào Suez gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu và có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự kiến nguồn cung tàu sẽ tiếp tục tăng trưởng năm nay khi các hãng bắt đầu nhận bàn giao tàu mới sau 2 năm chờ đóng. Ngược lại, năm nay dự báo có ít tàu đem đi phá dỡ.
Thực tế năm 2023, thị trường vận tải container đã suy giảm mạnh, chỉ số World Container Index (chỉ số giá cước vận tải biển của 8 tuyến chính trên toàn cầu) có thời điểm giảm trên 60% so với cùng kỳ 2022. Sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu ở mức thấp, lượng hàng tồn kho cao, khiến nhu cầu nhập khẩu rất hạn chế. Các hãng tàu phải cắt giảm mạnh chi phí hoạt động dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán giá dịch vụ giữa các cảng và hãng tàu.
Mặt khác, đội tàu VIMC đa phần già (tuổi tàu trung bình là 20), không đồng bộ, quy mô đội tàu ngày càng thu hẹp do quá trình tái cơ cấu cũng như do vướng mắc trong quy định về thủ tục đầu tư nên nhiều năm nay các doanh nghiệp của VIMC chưa đầu tư phát triển được đội tàu.
Ngoài ra, ông Tĩnh nhìn nhận khối cảng biển VIMC còn chịu áp lực ngày càng gay gắt từ khối tư nhân cũng như sự ra đời của nhiều cảng mới tại các khu vực có lợi thế hơn vị trí cảng của VIMC. Trước tình hình khó khăn chung, bản thân các hãng tàu buộc cắt giảm chi phí, tạo áp lực lên doanh thu bốc xếp tại các cảng.
Thời gian tới, ông cho biết tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu đội tàu, triển khai chương trình quản lý chi phí nhằm nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thành viên.
"Để giữ được khách hàng, việc quan trọng là phải luôn ngồi vào vị trí của họ, tức luôn suy nghĩ và cấu trúc hoạt động kinh doanh theo hướng mang lại lợi ích cho khách hàng", Tổng giám đốc VIMC nói.
VIMC đặt ra kế hoạch năm 2024 sản lượng vận tải biển 15,8 triệu tấn (đạt 76% so thực hiện năm 2023) do thanh lý, giảm số lượng tàu; sản lượng khối cảng biển hơn 123 triệu tấn, doanh thu 17.742 tỷ đồng (đạt 99% so năm 2023) và lợi nhuận 2.169 tỷ đồng (104% so năm ngoái).
Năm ngoái, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam ghi nhận sản lượng vận tải biển đạt hơn 20 triệu tấn; sản lượng hàng thông qua cảng khoảng 113 triệu tấn (đạt 92% cùng kỳ năm trước); doanh thu 17.964 tỷ đồng (đạt 91% so với năm 2022), lợi nhuận là 2.084 tỷ đồng (đạt 68% cùng kỳ).
"Đây là kết quả đáng ghi nhận của VIMC, nhất là trong bối cảnh năm 2023, tình hình thị trường vận tải biển thế giới có nhiều biến động", ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hiện có 33 doanh nghiệp thành viên (19 công ty con, 14 công ty liên kết) với 9.353 người lao động. VIMC có đội vận tải biển gồm 59 tàu (10 tàu container, 46 tàu hàng khô, 3 tàu dầu) với tổng trọng tải 1,226 triệu DWT, chiếm khoảng 18% trọng tải đội tàu quốc gia.
VIMC quản lý và khai thác 89 cầu cảng với chiều dài 16.500 m, chiếm hơn 15% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước.
Anh Duy