Tính đến ngày 15/12/2023, toàn ngành đã kết thúc kiểm toán 171 cuộc
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2024 Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho biết, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, kế hoạch kiểm toán năm 2023 được xây dựng với 129 nhiệm vụ, giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn kiểm toán/232 đoàn) so với năm 2022.
Ngoài tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; chuyên đề có phạm vi rộng được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm… Đồng thời, KTNN đã bổ sung một số cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và của Thủ tướng Chính phủ.
Với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, kiểm toán viên, Kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, đúng mục tiêu đề ra.
Tính đến ngày 15/12/2023, toàn Ngành đã kết thúc kiểm toán 171 cuộc, phát hành 173 báo cáo kiểm toán (BCKT) với nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực.
Tổng hợp kết quả kiểm toán đối với các BCKT đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý 30.245 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu NSNN 4.099,1 tỷ đồng, giảm chi NSNN 7.392,5 tỷ đồng; kiến nghị khác 18.753,4 tỷ đồng.
Đồng thời, KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 133 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý có nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đặc biệt, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật tại 01 Dự án; cung cấp 299 BCKT và tài liệu có liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra… để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội; tích cực cử đại diện KTNN tham gia các Đoàn kiểm tra, giám sát, tổ công tác về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả
Bước sang năm 2024, KTNN xây dựng Kế hoạch kiểm toán với 121 nhiệm vụ so với 129 nhiệm vụ năm 2023 (giảm 08 nhiệm vụ), trong đó ưu tiên, tập trung nguồn lực để kiểm toán báo cáo quyết toán các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương (đảm bảo kiểm toán từ 80% đến 90% báo cáo quyết toán) và các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành đảm bảo chất lượng (kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin đạt tỷ lệ 27% tổng số nhiệm vụ của năm 2024).
Để phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trong thực hiện kế hoạch công tác năm 2024, KTNN đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và 8 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, KTNN phấn đấu hoàn thành xuất sắc và toàn diện các nhiệm vụ năm 2024; tiếp tục thực hiện có hiệu quả, chất lượng các hoạt động theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đảm bảo đúng tiến độ. Tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2024 đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, KTNN tiếp tục coi trọng, đề cao đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp cho đội ngũ công chức, kiểm toán viên; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm công chức, kiểm toán viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm đạo đức nghề nghiệp… Đồng thời, KTNN tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ; củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục củng cố và phát huy vai trò quan trọng của KTNN Việt Nam trên trường quốc tế…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao và biểu dương những kết quả, thành tích mà KTNN đã đạt được trong năm 2023. Kết quả công tác của ngành KTNN đã góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời kết quả kiểm toán cũng đã cung cấp nhiều thông tin phục vụ tốt cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Năm 2024 được đánh giá là một năm còn nhiều khó khăn, thách thức với kinh tế Việt Nam và thế giới; bất cập, hạn chế trong nội tại nền kinh tế bộc lộ rõ hơn trong khó khăn. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu đối với KTNN là nặng nề và thách thức.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban cán sự Đảng, Đảng ủy KTNN và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của KTNN tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương để hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra. Đồng thời lưu ý KTNN cần tập trung triển khai 8 nội dung trọng tâm. Theo đó, KTNN cần bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Chiến lược Phát triển KTNN để thực hiện nhiệm vụ năm 2024; tiếp tục đổi mới phương thức kiểm toán; tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp; đẩy mạnh việc công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực chuyên môn đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế; xây dựng Đảng bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh...
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân vào KTNN ngày càng cao, đòi hỏi KTNN phải thường xuyên đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả để đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công một cách kịp thời, minh bạch.
Phát biểu đáp từ chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, để đạt được những kết quả công tác nổi bật trong năm 2023, KTNN luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, trong đó có cá nhân Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành.
Về 8 nội dung trọng tâm, những nhiệm vụ, giải pháp và định hướng cho KTNN năm 2024 và những năm tiếp theo mà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề ra tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã tiếp thu toàn bộ và cam kết cùng toàn Ngành sẽ thực hiện thật tốt.