Kỳ vọng tín hiệu tích cực sẽ lấn át rủi ro
Năm 2023, xung đột ở Trung Đông nổ ra, hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới duy trì lãi suất điều hành ở mức cao, số lượng doanh nghiệp phá sản tăng đột biến tại một số nước phát triển…, không ít tổ chức và chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024.
Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, GDP toàn cầu năm 2024 tăng 2,9%, thấp hơn 0,1% so với dự báo trước đó. IMF cảnh báo, triển vọng trung hạn suy yếu bởi các yếu tố như hậu quả lâu dài của đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, sự phân chia kinh tế thế giới thành các khối, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương.
Trong khi đó, OECD dự báo, GDP toàn cầu năm 2024 có thể chỉ tăng 2,7%, thấp hơn so với mức ước tính 2,9% của năm 2023.
Thậm chí, S&P Global Market Intelligence và Fitch Ratings nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lần lượt là 2,3% và 2,1%.
Theo các chuyên gia của Bloomberg, năm 2024, kinh tế toàn cầu có nhiều vấn đề cần lưu tâm. Trong đó, môi trường lãi suất cao kéo dài đang tác động tới sự dịch chuyển dòng vốn, đồng thời cản trở/trì hoãn kế hoạch mở rộng đầu tư ở nhiều khu vực trên thế giới; dữ liệu lạm phát mặc dù đã hạ nhiệt nhưng có thể vẫn khó kiểm soát trong thời gian tới; rủi ro địa chính trị có nguy cơ gia tăng trong bối cảnh một loạt nước lớn sẽ tổ chức bầu cử như Mỹ, Anh, Nam Phi, Ấn Độ, Nga, các quốc gia thuộc EU…
Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2023, thị trường ghi nhận tín hiệu tích cực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi cơ quan này có thể sẽ sớm bước vào chu kỳ hạ lãi suất trong năm 2024, với dự kiến có 3 đợt điều chỉnh.
Ngoài ra, trong tháng 12/2023, có 8 trong số các ngân hàng trung ương giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất đã tổ chức các cuộc họp về điều hành lãi suất, nhưng chỉ có Na Uy tăng lãi suất thêm 0,25%/năm. Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu và các nhà hoạch định chính sách ở Anh, Nhật Bản, Úc, Canada, Thụy Sĩ đã chọn giữ nguyên lãi suất. Chính sách xoay trục từ thắt chặt sang ôn hòa của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới giúp thị trường kỳ vọng, lãi suất sẽ giảm nhanh hơn và sớm hơn so với dự đoán.
Sau tín hiệu của Fed, chỉ số Dollar Index giảm từ 107 điểm về 102 điểm, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm từ 4,95% xuống 3,88%, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán nước này lập đỉnh mới.
Trường hợp Fed sớm thực hiện giảm lãi suất trong năm 2024, thì đây có thể là cơ sở để ngân hàng trung ương nhiều nước phát triển thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, với mục tiêu kích cầu kinh tế.
Nhìn lại quá khứ, cụ thể là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, khi lãi suất trái phiếu lợi tức cao tại Mỹ đạt đỉnh cuối năm 2008 là 21,81%/năm, sau đó hạ nhiệt và chạm đáy vào giữa năm 2011 với mức lãi suất 7,03%/năm, dòng vốn bắt đầu quay trở lại các thị trường cận biên, mới nổi và thị trường Việt Nam đón nhận dòng vốn nước ngoài tham gia mạnh mẽ từ năm 2012 (trễ hơn 6 - 12 tháng).
Nếu như năm 2024, các nước phát triển đạt đỉnh lãi suất và bắt đầu hạ thì thị trường Việt Nam nói riêng, các thị trường cận biên, thị trường mới nổi nói chung có thể sẽ đón nhận dòng vốn ngoại quay trở lại.
Một số câu chuyện riêng
Thị trường năm 2024 có thể sẽ diễn biến tích cực hơn, nhưng không dễ khởi sắc trên diện rộng.
Thay vì dựa vào dòng vốn bên ngoài và kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc trên diện rộng, năm 2024 có thể sẽ là năm của những câu chuyện riêng, phù hợp với yếu tố nội tại và đặc thù của từng doanh nghiệp.
Ví dụ, Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán GMD) đã dừng kế hoạch chào bán hơn 100 triệu cổ phiếu nhằm huy động 2.009 tỷ đồng, đồng thời lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt sau thương vụ chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ cho đối tác. Tỷ lệ cổ tức chưa được tiết lộ, nhưng nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, đó sẽ một tỷ lệ hấp dẫn.
Thương vụ chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ đã hoàn tất trong nửa đầu năm 2023, giúp Gemadept ghi nhận lợi nhuận đột biến. Trong quá khứ, sau khi chuyển nhượng 50,9% vốn tại Công ty TNHH Gemadept Shipping Holding và chuyển nhượng 50,9% vốn tại Công ty TNHH Gemadept Logistics Holding cho CJ Logistics, Gemadept chia cổ tức với tỷ lệ lên tới 65%.
Tại Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM), lợi nhuận năm 2024 được kỳ vọng sẽ khả quan, một phần là nhờ Nhà máy Đạm Cà Mau đã hết khấu hao và dư nợ vay để đầu tư nhà máy không còn nhiều, dù doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận không bằng năm 2023.
Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành thương mại từ năm 2012. Trong giai đoạn đầu vận hành nhà máy, chi phí lãi vay và khấu hao lớn dẫn tới lợi nhuận không cao. Từ năm 2013 tới 2018, biên lợi nhuận ròng dao động trong khoảng 8,49 - 14,48%. Tuy nhiên, sau khi trả phần lớn nợ vay và giảm khấu hao, biên lợi nhuận ròng năm 2021 tăng lên 18,5%, năm 2022 đạt 27,13% và dự kiến tiếp tục cải thiện trong năm 2024 khi nhà máy đã hết khấu hao. Đây là cơ sở để kỳ vọng PVCFC sẽ duy trì lợi nhuận ổn định và chia cổ tức với tỷ lệ hấp dẫn.
Đối với Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán VGC), cổ đông Nhà nước đã thông qua kế hoạch thoái toàn bộ 38,58% vốn cổ phần trong giai đoạn 2022 - 2025. Việc Ban lãnh đạo Viglacera phê duyệt gói thầu “Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và định giá cổ phần Viglacera cho mục đích thoái vốn nhà nước” đã tạo ra kỳ vọng cho nhà đầu tư về “game” thoái vốn trong năm 2024.
Viglacera đang sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp, với phần diện tích thương phẩm còn lại khoảng 1.139 ha. Lĩnh vực bất động sản công nghiệp được đánh giá có triển vọng sáng nhờ tiềm năng thu hút vốn FDI, động thái dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam, nên phần vốn Nhà nước tại Viglacera dự kiến sẽ hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt công ty mẹ là Tập đoàn Gelex có thể mua vào nhằm nâng tỷ lệ sở hữu.
Thực tế, nhóm doanh nghiệp bất động sản công nghiệp có tiềm lực tài chính, nợ vay thấp, quỹ đất lớn, cũng như nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công đã và đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, giúp giá cổ phiếu có diễn biến khả quan so với thị trường chung.