Trước đó, giáo sư Dutta cùng VinUni đã thực hiện nghiên cứu đổi mới sáng tạo ngành được nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp hoan nghênh.
Mới đây, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Trường Đại học VinUni đã ký bản hợp tác hai bên về hợp tác thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Sau lễ ký kết, hai bên đã kích hoạt dự án nghiên cứu chỉ số đổi mới sáng tạo ngành ở Việt Nam (VIIR).
Theo PGS. TS Phan Thị Thục Anh, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Trưởng nhóm nghiên cứu dự án VIIR tại VinUni, nghiên cứu để có bộ chỉ số đổi mới sáng tạo ngành là ý tưởng do Trường ĐH VinUni khởi xướng, được giáo sư Soumitra Dutta ủng hộ và dẫn dắt về mặt khoa học.
Về phương pháp, VIIR cũng tương tự như GII ở chỗ cùng đánh giá đổi mới sáng tạo theo các trụ cột đầu vào - đầu ra, nhưng các tiêu chí bên trong thì VIIR xây dựng riêng để phù hợp với ngành.
"Chúng tôi đã tham khảo các nước trong khu vực Đông Nam Á và nhận thấy đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá đổi mới sáng tạo ngành một cách toàn diện nhất với đầy đủ các yếu tố đầu vào và đầu ra của đổi mới sáng tạo", PGS. TS Thục Anh chia sẻ.
Là "cha đẻ" của bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII và nay là Giám đốc khoa học dự án VIIR tại Trường Đại học VinUni, giáo sư Dutta - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford, đồng sáng lập và Chủ tịch Viện Portulans cho biết, dự án VIIR ra đời nhằm giới thiệu một đánh giá ban đầu, cung cấp công cụ phân tích phức hợp về đổi mới sáng tạo của các ngành ở Việt Nam.
Vị giáo sư là thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture nói thêm, đây được xem là tiền đề hướng tới hình thành dự án về bộ chỉ số đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tiếp cận theo ngành, lĩnh vực một cách toàn diện để có thể áp dụng rộng rãi trong tương lai.
Ông Nguyễn Võ Hưng - Trưởng ban Chính sách Đổi mới sáng tạo, Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học Công nghệ nhận định, mặc dù dự án đang ở giai đoạn tiền khả thi nhưng VIIR hứa hẹn mang thêm triển vọng về một công cụ mới cho cơ quan quản lý nhà nước trong đánh giá đổi mới sáng tạo.
Hiện nay, ở cấp quốc gia đang sử dụng bộ chỉ số GII đổi mới sáng tạo toàn cầu để đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo cấp quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã vận dụng bộ chỉ số GII để đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương. Nếu có thêm bộ chỉ số đổi mới sáng tạo ngành thì đây là mảnh ghép giúp bức tranh đổi mới sáng tạo sáng rõ.
Ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, đây là bộ công cụ để các nhà đầu tư trong nước và quốc tế hình dung bức tranh, định hướng chiến lược và giải pháp đầu tư.
"Việc trường Đại học VinUni phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo ngành sẽ là công cụ thiết thực cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp để từ đó nhìn ra thực trạng các ngành, có giải pháp cũng như có cách ứng xử phù hợp", ông Minh khẳng định.
Theo tiến sĩ Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học VinUni, bên cạnh việc phát triển nhân tài cho tương lai, một trong những nhiệm vụ quan trọng của VinUni là tạo các tác động tới xã hội bằng nghiên cứu, bằng đổi mới sáng tạo, hướng tới xây dựng các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững của quốc gia.
Với tinh thần đó, từ hơn một năm nay, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Soumitra Dutta, VinUni đã nghiên cứu một cách toàn diện mô hình về đổi mới sáng tạo. Dự án được sự bảo trợ về chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ, bảo trợ về mặt kỹ thuật của Đại học Oxford và Viện Portulans.
"Đây là một trong những sáng kiến tâm huyết nhất của VinUni. Chúng tôi tập trung rất nhiều nguồn lực vào việc này để hiện thực hóa sứ mệnh của VinUni, tức là đưa khoa học vào phụng sự con người, đưa khoa học tác động tới cuộc sống", tiến sĩ Lê Mai Lan chia sẻ.
Dự án đưa ra một phương pháp phân tích hai lớp, phân biệt giữa hệ sinh thái đổi mới tổng thể và hệ sinh thái đổi mới riêng lẻ. Trong đó lớp thứ nhất tập trung vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của toàn nền kinh tế, cung cấp góc nhìn vĩ mô về bối cảnh đổi mới sáng tạo cấp ngành của Việt Nam, từ đó có sự so sánh với các quốc gia khác.
Lớp thứ hai tập trung vào hệ sinh thái mang tính đặc thù của tổ chức, được định hình để phù hợp với các ngành cụ thể và tạo thành trụ cột của môi trường đổi mới sáng tạo quốc gia.
Trong năm đầu tiên thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu tập trung vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho ba ngành và lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, khách sạn, cho thuê thương mại - bán lẻ.