Vì nguyên nhân nhạy cảm
Sáng ngày 5/1, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục với phần VKS hỏi các bị cáo trong đại án Việt Á. Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) là bị cáo đầu tiên được gọi lên để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.
VKS đặt câu hỏi về việc sắp xếp nhân sự phụ trách các vùng miền, việc chi % hợp đồng được thực hiện thế nào?
Việt cho hay, tình hình dịch phức tạp bản thân thường xuyên di chuyển nên việc điều hành được thực hiện chủ yếu qua các nhóm chat trên mạng xã hội. Các cá nhân trong công ty được phân công phụ trách từng vùng miền cụ thể. Ví dụ Vũ Đình Hiệp trợ lý phụ trách miền Bắc, Nguyễn Thị Thắm phụ trách miền Trung, Lê Trung Nguyên phụ trách miền trong…
Cá nhân phụ trách sẽ được chiết khấu từ 5 đến 20% hợp đồng, tuỳ vào công sức chống dịch và giá trị hợp đồng đã thực hiện được. Trong khi đó, hoa hồng cho các địa phương sẽ từ 15-45%. Tất cả các khoản chi trước khi chuyển đi đều thông qua Việt duyệt.
VKS hỏi, việc chi % được thoả thuận trước với các địa phương hay không? Nội dung chuyển khoản, sao kê ghi là gì?
Việt cho hay, không có thoả thuận trước. Sau khi hoàn tất hợp đồng thì Việt Á tự mang đến cảm ơn. Nội dung ghi "nhờ thanh toán tiền mua hàng" trong các giao dịch.
VKS chất vấn, tại sao tiền cảm ơn lại ghi là mua hàng? Việt nói, để tránh nhạy cảm.
VKS cho rằng, có đủ cơ sở để chứng minh nhiều vụ việc có sự thoả thuận trước, như tại CDC Hải Dương.
Tại phiên xét hổi chiều 3/1, bị cáo Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) phủ nhận cáo buộc nhận 50 nghìn USD của Việt Á, và khẳng định chỉ nhận 100 triệu đồng. Khi được hỏi đối chất thì Phan Quốc Việt và Phó giám đốc Vũ Đình Hiệp đều cho biết không nhớ rõ.
Tuy nhiên, khi được VKS hỏi lại sáng nay, Việt cho biết đã nhớ là gửi 50 nghìn USD. Số tiền này được việt rút tại ngân hàng ở Đà Nẵng rồi đổi sang USD. Việt có thói quen dùng tiền đô để giải quyết công việc.
VKS đặt tiếp câu hỏi mối quan hệ với bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng trưởng Bộ Y tế), tại sao Việt không trực tiếp với ông Long mà chỉ thông qua trợ lý Nguyễn Huỳnh?
Việt cho biết có quen biết với Long và Huỳnh trong lần đi dự sự kiện dự án bệnh viện tại TP. HCM hồi năm 2017. Hai bên sau đó thỏa thuận, giải quyết công việc gì cứ thông qua Nguyễn Huỳnh vì một số nguyên nhân nhạy cảm.
VKS tiếp tục hỏi, nguyên nhân nhạy cảm cụ thể là gì?
Việt đáp, vì lúc đó ông Long đang có mâu thuẫn với lãnh đạo khác trong Bộ.
Về mục đích tham gia đề tài tại Học viện quân y của bị cáo là gì? Có phải nhằm mục đích sản xuất bán thương mại không? VKS tiếp tục hỏi.
Việt đáp: "Thời điểm đó duy nhất Việt Á có chứng chỉ ISO đủ điều kiện sản xuất nên được Trịnh Thanh Hùng ( cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ) mời tham gia, ban đầu chỉ có mục đích nghiên cứu".
VKS cho rằng, mục đích lâu dài của Việt Á chính là được sản xuất bán thương mại. Việt sau đó thừa nhận và nhận thức rõ, đó là đề tài sử dụng kinh phí Nhà nước nên kết quả là tài sản của Quốc gia, việc tư nhân hoá là sai phạm.
Biến công trình nghiên cứu của Nhà nước thành của riêng
Trong các cá nhận thuộc Bộ KHCN có liên quan đến đại án Việt Á, nổi lên là vai trò của Trịnh Thanh Hùng - cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, kiêm thư ký Bộ trưởng.
Theo đó, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ KHCN về việc chủ động nghiên cứu, phục vụ công tác phòng, chống dịch, Học viện Quân y đã ra chủ trương giao Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự tiến hành nghiên cứu.
Dù văn bản đề xuất của Học viện gửi Bộ KHCN không đề cập đến Công ty Việt Á tham gia, nhưng do đã từng hợp tác với Công ty Việt Á nên Trịnh Thanh Hùng đã bàn bạc với Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) rồi gọi điện cho Hồ Anh Sơn (Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự) yêu cầu trong đề xuất đưa Việt Á là đơn vị tham gia phối hợp.
Sau khi có đề xuất nói trên, Trịnh Thanh Hùng không chuyển cho Văn thư Bộ KHCN như thông lệ mà làm Tờ trình báo cáo trực tiếp Chu Ngọc Anh (Bộ trưởng Bộ KHCN) đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN độc lập cấp quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút và được Chu Ngọc Anh đồng ý.
Trịnh Thanh Hùng còn đề xuất gộp nhiệm vụ nghiên cứu với nhiệm vụ chế tạo 20.000 test xét nghiệm. Mục đích giúp Việt Á được tham gia đề tài vì Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất), được các thành viên Hội đồng tư vấn đồng ý và ông Chu Ngọc Anh ký quyết định giao nhiệm vụ.
Sau đó, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KHCN ký quyết định thành lập Hội đồng tư vấn và Tổ thẩm định kinh phí gồm 14 thành viên thực hiện nhiệm vụ nói trên, Trịnh Thanh Hùng là Tổ trưởng Tổ thẩm định. Tổ này họp, xác định kinh phí của đề tài là 18,98 tỷ đồng (từ ngân sách trung ương), thời gian thực hiện là 18 tháng.
Bộ kit Việt Á có giá thành bao gồm 5% lợi nhuận là 143.461 đồng/bộ nhưng Việt Á nâng lên 470.000 đồng/bộ, cho dù Phan Quốc Việt khẳng định bán rẻ để ủng hộ Chính phủ chống dịch.
Theo quy định, công trình nghiên cứu thực hiện bằng ngân sách Nhà nước thì kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước (trường hợp này do Bộ KHCN quản lý). Tuy nhiên, Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng để Công ty Việt Á được sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu Đề tài.
Sau đó, Trịnh Thanh Hùng tham mưu cho ông Phạm Công Tạc ký quyết định thành lập Hội đồng đánh giá nghiệm thu giai đoạn 1 của đề tài, mặc dù theo quy định chỉ nghiệm thu khi kết thúc đề tài. Việc này nhằm hợp thức hoá hồ sơ giúp Công ty Việt Á (vào tháng 2/2020) lập hồ sơ đăng ký xin Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, sản xuất, kinh doanh kit test (do không có văn bản chuyển giao dự án của Bộ KHCN cho Công ty Việt Á).
Bằng cách này, Hùng đã giúp sức tích cực cho Công ty Việt Á biến công trình nghiên cứu khoa học của Nhà nước thành sản phẩm thương mại của Công ty Việt Á.
Sau khi chiếm được đề tài, Phan Quốc Việt đã thao túng hàng loạt quan chức Bộ Y tế và một trợ lý Phó Thủ tướng cùng một số quan chức địa phương để được cấp phép lưu hành, sản xuất, kinh doanh kit test và bán ra thị trường.
Cụ thể, Phan Quốc Việt đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cựu trợ lý nguyên Phó thủ tướng); Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký Nguyễn Thanh Long) can thiệp, tác động, chỉ đạo Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) tham mưu, đề xuất để ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế ký quyết định cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời và sau đó là đăng ký lưu hành chính thức kit xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á, mặc dù Việt Á thiếu hồ sơ để được cấp phép.
Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống giá gấp gần 3 lần (giá thành bao gồm 5% lợi nhuận là 143.461 đồng/bộ kit nhưng Việt Á nâng giá lên 470.000 đồng/bộ) nhưng Phan Quốc Việt vẫn khẳng định là bán rẻ để ủng hộ Chính phủ chống dịch.
Khi Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á không có hồ sơ chứng minh cấu thành giá bán 470.000 đồng/bộ kit; thậm chí thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành.
Tuy nhiên, Bộ Y tế không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý; dẫn đến Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương với Bộ Y tế đã được Phan Quốc Việt nâng khống, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương.
Đáng lưu ý, trong suốt quá trình Công ty Việt Á phối hợp với Học viện Quân y nghiên cứu đề tài và tổ chức sản xuất, tiêu thụ test xét nghiệm, Trịnh Thanh Hùng cùng Phan Quốc Việt đã cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để “đánh bóng” sản phẩm test xét nghiệm của Công ty Việt Á.
VKSND tối cao xác định, Phan Quốc Việt đã 2 lần chuyển tổng số 350 nghìn USD (hơn 8 tỷ đồng) cho Hùng.