Từ năm 2015, cửa hàng xăng dầu trên quốc lộ 50, xã Đa Phước xây dựng hoàn chỉnh thì phải ngừng hoạt động, bỏ phế vì UBND huyện Bình Chánh cấp phép sai. Đó là cây xăng do doanh nghiệp của ông Trần Cao Nam đầu tư.
Cấp phép sai, cây xăng bỏ phế
Trước khi hoạt động thì cây xăng phải được Sở Công Thương TP.HCM cấp chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Đến thủ tục này, Sở Công Thương phát hiện huyện Bình Chánh cấp phép sai vì vị trí xây dựng cây xăng nằm trong quy hoạch nút giao quốc lộ 50, cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Vì vậy, Sở Công Thương đề xuất UBND TP chỉ đạo kiểm tra làm rõ trách nhiệm việc cấp phép, tham mưu cấp phép xây dựng cây xăng. Đồng thời để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp, huyện Bình Chánh cần phải thỏa thuận bố trí khu đất khác phù hợp để di dời cây xăng trên.
Thuận theo đề xuất đó, ngày 4-8-2016, Văn phòng UBND TP có văn bản số 7625 truyền đạt ý kiến phó chủ tịch UBND TP giao huyện Bình Chánh đàm phán với ông Nam để thống nhất hướng xử lý giảm thiệt hại nhà nước và doanh nghiệp.
Năm 2017 huyện Bình Chánh họp và thống nhất với ông Nam sẽ di dời cây xăng về vị trí đất do Nhà nước quản lý ở xã Tân Kiên. Ông Nam đồng ý.
Tuy nhiên, sau đó huyện cho rằng việc hoán đổi đất do Nhà nước trực tiếp quản lý là không đúng quy định nên huyện đề nghị ông Nam tự tìm vị trí khác phù hợp đầu tư cây xăng. Huyện sẽ hỗ trợ về pháp lý. Đồng thời đề nghị ông Nam có đơn yêu cầu bồi thường để huyện xác định giá trị bồi thường nhà nước.
Vụ việc kéo dài và cây xăng bỏ hoang phế đến nay.
Dân thiệt hại, cao tốc chưa có mặt bằng
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, cây xăng của doanh nghiệp ông Nam xây dựng đã hoàn chỉnh nhưng bỏ phế. Hiện nay ông Nam cho một cá nhân sử dụng mặt bằng cây xăng để làm nơi kinh doanh trò chơi trẻ em.
"Thời điểm xây dựng cây xăng hoàn chỉnh năm 2015 tôi đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng chỉ riêng tiền vật tư gồm 4 bồn âm dưới đất chứa xăng dầu, hệ thống trụ bơm, chữa cháy… Đến nay là gần 10 năm bỏ phế", ông Nam nói.
Do cây xăng chưa được di dời nên ông Nam vẫn chưa bàn giao đất để thực hiện dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Về phía lãnh đạo TP đã có nhiều văn bản đốc thúc huyện sớm giải quyết dứt điểm vụ việc.
Mới nhất, cuối tháng 8-2023, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã chỉ đạo huyện chủ động đàm phán với ông Nam để thống nhất hướng xử lý, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp; hỗ trợ và hướng dẫn ông Nam tìm khu đất khác phù hợp để di dời cây xăng; hỗ trợ pháp lý, thủ tục cho ông Nam.
Yêu cầu huyện bồi thường
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng huyện có lỗi khi cấp phép xây dựng sai dẫn đến phát sinh thiệt hại cho ông Nam.
Trong khi lãnh đạo TP đã có chỉ đạo nhưng vụ việc vẫn kéo dài. Vì vậy, để giải quyết dứt điểm ông Nam nên tiến hành các bước để yêu cầu UBND huyện Bình Chánh bồi thường nhà nước.
Thiệt hại cho ông Nam bao gồm chi phí đầu tư, xây dựng cây xăng, tiền lãi phát sinh, thiệt hại tinh thần… "Đó là chưa kể khoản thiệt hại khó tính được về cơ hội, lợi nhuận kinh doanh bị mất trắng gần 10 năm qua…", luật sư Tuấn nói.
Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh về hướng giải quyết của huyện sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi (đã gửi câu hỏi thông qua Trung tâm Báo chí TP) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
TTO - Bà Trần Thị Kim Yến - bí thư Quận ủy quận 1 (TP.HCM) - cho biết như vậy về việc xử lý trách nhiệm liên quan đến nhiều sai phạm tham mưu cấp phép xây dựng trên địa bàn quận này.