Chiều 5/1, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023, trả lời câu hỏi về tăng trưởng tín dụng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong báo cáo cập nhật gửi Chính phủ vào sáng nay, tăng trưởng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt 13,71%, khối lượng tiền đưa vào nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.
Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, nếu tính trên cơ sở dư nợ hiện nay khoảng 13,56 triệu tỷ đồng thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế.
"Khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 phụ thuộc điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảo dòng vốn chảy vào đúng các đối tượng cũng như an toàn hệ thống tín dụng. Nếu điều kiện thuận lợi, cuối năm hoặc giữa năm sẽ mở thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại", Phó Thống đốc cho biết.
Về cơ sở cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024, theo ông Tú, kinh tế năm 2024 có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc hơn trên cơ sở của năm 2023. Bên cạnh đó là kỳ vọng không có những tác động khó khăn từ kinh tế thế giới như năm 2023 sẽ giúp nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ tăng lên.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ được hỗ trợ từ mức lãi suất đang rất thấp hiện nay. Theo ông Tú, mức lãi suất hiện nay thấp hơn trước dịch rất nhiều, thậm chí là thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
Với các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm. Những ngân hàng nào đạt được chỉ tiêu tín dụng và vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, đảm bảo chất lượng cũng như an toàn hệ thống, điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép thì sẽ tiếp tục giao thêm room tín dụng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Cách đây ít ngày, tại họp báo định hướng năm 2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
"Nợ xấu nội bảng tăng cao. Nợ nguy cơ thành nợ xấu cũng cao. Những yếu tố này đặt ra thử thách với năm 2024", ông Tú cho biết.
Về lãi suất trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết sau liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay đã ở mức rất thấp, kể cả ngắn, trung và dài hạn, cũng như lĩnh vực ưu tiên và không phải ưu tiên.
"Mặt bằng lãi suất giảm thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Còn một số khoản cho vay lãi suất cao khi ngân hàng thương mại huy động cao chắc chắn trong năm 2024 sẽ được xử lý", ông Tú nói.
Về định hướng điều hành lãi suất trong năm 2024, Phó Thống đốc nhấn mạnh, tinh thần là các ngân hàng tiếp tục tiết kiệm chi phí, tiết kiệm những khoản chi quản lý, hành chính, qua đó lấy nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
"Lãi suất bình quân của nền kinh tế, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước phải căn cứ vào nhiều phương diện để đảm bảo sự cân đối hài hoà kinh tế vĩ mô. Nhưng tinh thần là nếu lãi suất giảm được thấp hơn sẽ tiếp tục giảm trong điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép", ông Tú Khẳng định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.66923957150104202-4202-man-et-hnik-nen-oav-gnod-yt-ueirt-2-gnaohk-mob/et-hnik/nv.vtv