TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, giữa nguyên đơn là vợ chồng anh Mai Văn Thắng, 49 tuổi, và bị đơn là Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (TP Bến Tre), chiều 4/1.
Vợ chồng anh Thắng cùng con trai Mai Trọng Nghĩa, 13 tuổi, đi nhờ xe người quen đến dự phiên tòa để đỡ tốn kém. Trước giờ xét xử, vợ anh nhiều lần phải thay bỉm cho con vì cậu bé bại não nhiều năm nay không thể tự chủ việc vệ sinh. Thỉnh thoảng Nghĩa lại cười lớn, quơ chân tay loạn xạ khiến cha mẹ phải dỗ dành, trấn an.
Theo bản án sơ thẩm, 8 năm trước, Nghĩa đang chơi với bạn tại lớp mẫu giáo thì bị đau bụng, được đưa đi khám. Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu chẩn đoán bé bị thoát vị bẹn, chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, sau ca mổ, bệnh viện thông báo bé nguy kịch và đã chuyển lên TP HCM điều trị. Nghĩa được chẩn đoán thiếu oxy não, dù đã tỉnh lại nhưng bị mất ý thức, giám định thương tật 95%.
Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu sau đó thừa nhận cậu bé bị như vậy là do "sự cố y khoa" và bố trí một phòng riêng để chữa bệnh, đồng thời hỗ trợ gia đình mỗi tháng 6 triệu đồng chi phí ăn uống, điều trị. Đến đầu năm 2019, bệnh viện dừng trợ cấp hàng tháng, đề nghị gia đình nhận một lần tổng cộng 640 triệu đồng gồm tiền tổn thất tinh thần và người chăm sóc.
Vợ chồng anh Thắng không đồng ý vì số tiền bồi thường quá thấp, trong khi con trai phải điều trị không biết đến khi nào, nên khởi kiện. Nguyên đơn yêu cầu tòa buộc bệnh viện bồi thường hơn 2 tỷ đồng bao gồm chi phí điều trị, đi lại, tổn thất tinh thần, mất thu nhập...
Bệnh viện sau đó cũng có đơn phản tố, cho rằng tai biến của cháu bé là do cơ địa, đồng thời yêu cầu gia đình bé trả lại số tiền gần 300 triệu đồng đã tạm ứng trước đó. Họ cũng yêu cầu bé cùng cha mẹ rời khỏi bệnh viện, không được gây rối, cản trở việc khám chữa bệnh.
Tháng 8/2023, TAND TP Bến Tre xử sơ thẩm, căn cứ kết quả giám định pháp y xác định tai biến của bé Nghĩa là do ảnh hưởng quá trình điều trị phẫu thuật; Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu không có chứng cứ chứng minh các biến chứng này là do cơ địa bệnh nhân... Từ đó, tòa tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc bệnh viện bồi thường gần 790 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí tạm ứng; bồi thường mỗi tháng 17,8 triệu đồng tiền nuôi dưỡng, điều trị, chi phí người chăm sóc bệnh nhân đến khi phục hồi. Ngoài ra, tòa cũng chấp nhận một phần đơn phản tố của bệnh viện liên quan đến việc trả lại tiền tạm ứng cho bệnh nhân trước đó.
Không chấp nhận bản án, bệnh viện kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm chiều hôm qua, bị đơn giữ nguyên quan điểm cho rằng tai biến là do cơ địa bệnh nhân, trước ca phẫu thuật gia đình cũng đã ký giấy cam kết. Phía bệnh viện cũng yêu cầu tòa sửa chữ "bồi thường" trong bản án sơ thẩm thành "hỗ trợ" vì bệnh viện không có lỗi. Cũng vì "không có lỗi" nên sau sự cố bệnh viện không tiến hành họp để xác định nguyên nhân.
Tuy nhiên, đại diện VKS sau đó công bố tờ trình bệnh viện đã gửi Sở Y tế Bến Tre về buổi họp sau sự cố. Nội dung khẳng định ca phẫu thuật đã sử dụng thuốc liều cao ngay từ đầu, thay vì dùng liều nhỏ chia làm nhiều lần đối với trẻ em. Cuộc họp cũng nhận định bác sĩ gây mê chính trong ca này chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa đánh giá đầy đủ dấu hiệu lâm sàng, thiếu kinh nghiệm xử lý tai biến của thuốc gây mê. "Nội dung tờ trình thể hiện tai biến của bệnh nhân là do lỗi của bệnh viện", đại diện VKS nói và đề nghị HĐXX tuyên y án sơ thẩm.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên chấp nhận một phần kháng cáo của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, sửa một phần án sơ thẩm. Theo đó, bệnh viện vẫn phải bồi thường một lần gần 790 triệu đồng cho gia đình bé trai; riêng tiền bồi thường mỗi tháng giảm từ 17,8 triệu đồng xuống còn hơn 6,8 triệu do "sức khỏe của bệnh nhân hiện đã tốt hơn, mức bồi thường cũ không còn phù hợp". Gia đình bé Nghĩa có quyền yêu cầu thay đổi mức bồi thường khi không còn phù hợp với thực tế hoặc pháp luật có thay đổi.
Được tuyên thắng kiện, song vợ chồng anh Thắng cho biết rất lo lắng vì bị giảm tiền trợ cấp hàng tháng. Số tiền hơn 6,8 triệu đồng không thể đủ để điều trị và lo cho cuộc sống của con trai trong những ngày tiếp theo. "Cháu ngày càng lớn nhưng tâm trí vẫn như trẻ lên 3. Lúc người khác ngủ thì cháu thức và quấy khóc, vợ chồng tôi phải thay phiên nhau giữ nhưng cũng không xuể", anh Thắng nói.
Trước khi bé Nghĩa bị bệnh, gia đình anh có 2 công (2.000 m2) đất nuôi tôm, kết hợp chăn nuôi bò, dê; hai vợ chồng làm phụ hồ thêm mỗi ngày hơn 500.000 đồng nên kinh tế khá ổn. Sau 8 năm ròng nuôi con bệnh tật, gia đình phải bán hết vật nuôi, cho thuê đất và vay mượn hàng trăm triệu đồng chưa thể trả. Hiện, họ là hộ cận nghèo của địa phương.
Nam An
Xem thêm: lmth.0417964-neiv-hneb-neik-gnaht-neb-om-ac-uas-oan-iab-iart-eb-hnid-aig/ten.sserpxenv