Sau khi các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023, trong năm 2024, các nhà phân tích dự đoán dòng vốn nước ngoài đổ vào cổ phiếu khu vực sẽ gia tăng do khả năng Mỹ cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng sức hấp dẫn của tài sản rủi ro.
Theo dữ liệu của sàn giao dịch chứng khoán từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lượng cổ phiếu trị giá 26,62 tỷ USD vào năm 2023, nhiều nhất kể từ năm 2016.
Giao dịch cổ phiếu của khối ngoại ở một số thị trường châu Á trong năm 2023 |
Chứng khoán Ấn Độ có dòng vốn vào lớn nhất trong năm 2023, thu hút lượng mua ròng 20,74 tỷ USD từ nước ngoài, nhiều nhất kể từ năm 2020. Chứng khoán Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt nhận được 10,12 tỷ USD và 3,45 tỷ USD từ dòng vốn nước ngoài.
Trong khi đó, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đều chứng kiến dòng vốn chảy ra ròng. Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng hơn 5 tỷ USD từ thị trường Thái Lan.
Tuy nhiên, trong tháng 12/2023, bảy thị trường chứng khoán châu Á này đã thu hút khoảng 12,59 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhiều nhất kể từ tháng 11/2022.
Jason Lui, chiến lược gia phái sinh và cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương tại BNP Paribas cho biết: “Dòng vốn nước ngoài bổ sung vào tháng 12 phần lớn phản ánh việc các nhà đầu tư toàn cầu dự đoán kịch bản cắt giảm lãi suất tương đối tích cực của Fed vào năm 2024. Ví dụ, hợp đồng tương lai của quỹ liên bang cho thấy rằng các nhà đầu tư đang định giá khả năng tương đối cao là Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024”.
Tuy nhiên, sau khi tăng 4,4% trong tháng 12/2023, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương đã giảm khoảng 2% trong tuần đầu tiên của năm 2024 trong bối cảnh lo ngại rằng kỳ vọng cắt giảm lãi suất sớm có thể là quá sớm.
“Có thể có một số biến động trong dòng vốn nước ngoài trong quý I/2024 khi các nhà đầu tư cố gắng quyết định thời điểm chính xác của chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed cũng như mức độ suy thoái kinh tế ở Mỹ”, chiến lược gia Jason Lui cho biết.
Chiến lược gia thị trường của IG, Yeap Jun Rong lưu ý rằng, mặc dù tâm lý lạc quan cực độ hiện nay trên các thị trường rủi ro có thể thúc đẩy hoạt động chốt lời trong ngắn hạn, nhưng xu hướng tăng giá bền vững trên thị trường chứng khoán có thể xảy ra miễn là dữ liệu kinh tế tiếp tục cho thấy lạm phát giảm nhẹ và môi trường tăng trưởng ổn định.