Linh hoạt điều hành tăng trưởng tín dụng
Những ngày đầu tiên của năm 2024, nền kinh tế đã nhận được các chính sách mới sẵn sàng cho quá trình phục hồi hướng đến tăng trưởng. Đầu tiên là nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước thông báo đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm mới, thay vì chia ra làm 2 - 3 đợt như trước. Động thái này cho thấy thông điệp của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng thương mại phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, có trách nhiệm hơn trong việc cung ứng vốn phục vụ nền kinh tế.
"Làm sao cung ứng vốn cho nền kinh tế, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, đảm bảo nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp, đặt ra con số đó, để cả hệ thống ngân hàng có mục tiêu phấn đấu, đảm bảo hài hòa các lĩnh vực khác", ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh.
"Động thái này hết sức tích cực trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, cầu tín dụng thấp; rất thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong việc điều hành kế hoạch tăng trưởng tín dụng của mình, phù hợp với nhu cầu cho khách hàng trong cả năm; là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp", ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, đánh giá.
Tiếp tục giảm thuế GTGT từ 1/1/2024
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, ước tính sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vốn được bơm ra nền kinh tế trong năm nay.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Giảm 2% thuế giá trị gia tăng giúp người dân, doanh nghiệp hưởng lợi, tác động tích cực đến nền kinh tế. (Ảnh: NLĐ)
Để hỗ trợ về dòng tiền cho các hoạt động của nền kinh tế, sau khi được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 6 tháng cuối năm 2023, thuế GTGT sẽ tiếp tục được giảm 2% từ ngày 1/1/2024. Đây là nội dung trong Nghị định 94 vừa được Chính phủ vừa ban hành, dựa theo Nghị quyết số 110 của Quốc hội. Đây là thông tin vui đối với các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.
Chính sách được áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản… và một số hàng hóa đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc giảm thuế GTGT 2% này sẽ được áp dụng đến hết tháng 6/2024. Các chuyên gia đánh giá, chính sách giảm thuế GTGT rất thiết thực, hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh và kích thích tiêu dùng.
"Với tổng mức giảm 25.000 tỷ đồng, giảm sớm từ 1/1/2024 đến hết 30/6/2024, chúng tôi hy vọng đây là nguồn trợ lực quan trọng giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực từng bước phục hồi, duy trì nguồn thu cho ngân sách nhà nước", bà Phạm Thị Tuyết Lan, Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, cho biết.
Nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 10 năm
Bên cạnh được tiếp vốn, các nền tảng tăng trưởng vững chắc của nhiều lĩnh vực được thiết lập từ năm 2023 sẽ tạo đà cho quá trình tăng trưởng bền vững hơn cho cả nền kinh tế trong năm 2024 này. Như lĩnh vực nông nghiệp, năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản, nhưng giá trị gia tăng của toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng cao, ước đạt 3,83%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây của ngành.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
"Tốc độ tăng trưởng 3,83, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, lúa gạo mặc dù giảm 9.000 ha nhưng tăng năng suất 1 tạ/ha, vẫn về đích 43,5 triệu tấn", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết.
"Từ Đồng bằng sông Hồng đến duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long trở thành vựa lúa của cả nước tham gia không chỉ đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia, mà còn tham gia vào thị trường gạo thế giới. Mục tiêu chúng ta hướng đến là trung tâm đổi mới sáng tạo của hệ thống lương thực thực phẩm và kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ chúng ta", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thông tin.
Cần gắn kinh tế đêm với phát triển công nghiệp văn hóa
Một nền tảng tạo động lực tăng trưởng chung cho năm 2024 phải kể đến lĩnh vực du lịch. Năm 2023, du lịch Việt Nam có một năm "bứt tốc" sau dịch COVID-19, với 108 triệu lượt khách nội địa, 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu đề ra ban đầu. Doanh thu ước đạt 678.000 tỷ đồng.
Có 2 yếu tố đã giúp đem lại kết quả tích cực này: đầu tiên là chính sách visa thông thoáng; thứ hai là việc nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch đã chú tâm phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đêm gắn với công nghiệp văn hóa.
Trong năm 2024, các quốc gia trên thế giới đang tập trung nhiều giải pháp phát triển mạnh kinh tế đêm để nỗ lực lấy lại "phong độ" hậu COVID-19, Việt Nam cũng xác định kinh tế 24/24h là "chìa khóa" để giúp ngành du lịch "bứt tốc".
Thống kê tại một số thành phố lớn trên thế giới cho thấy, kinh tế ban đêm đóng góp từ 5 - 10% GDP và chiếm tới 60 - 75% doanh thu của các thành phố này.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế về đêm có khả năng đưa doanh thu du lịch tăng tới 300%/năm, bởi sự mạnh tay chi tiêu của du khách vào ban đêm.
"Các đơn vị dịch vụ có nhiều cơ hội để cung cấp dịch vụ và có nguồn thu tốt hơn. Sự đa dạng của các sản phẩm du lịch về đêm sẽ giúp du khách có thời gian khám phá và chi tiêu nhiều hơn", ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam, cho hay.
Các chuyên gia cho rằng cần gắn phát triển công nghiệp văn hóa với các hoạt động kinh tế đêm, đặc biệt là sản phẩm du lịch đêm. Điều này không chỉ mang tới nguồn thu lớn, mà còn quảng bá hình ảnh điểm đến, văn hóa bản địa... Việc này cần có sự hợp sức của 3 nhà, là nhà nước, nhà sáng tạo và nhà đầu tư.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cũng đã có sự đầu tư bài bản vào các sản phẩm du lịch, như các show trình diễn, công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, khu vui chơi giải trí đêm…
"Chính doanh nghiệp là lực lượng thúc đẩy sáng tạo mạnh nhất. Họ luôn luôn mở lối, đi về phía trước nên kết hợp được điều này rất hay. Điều này đòi hỏi nhà nước cần tạo ra môi trường, tạo điều kiện", ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định.
Các chuyên gia cũng đánh giá, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm theo hướng phát triển du lịch địa phương do sở hữu nền văn hóa đa dạng các vùng miền.
Sôi động dịch vụ tour Tết 2024
Có thể thấy, ngành du lịch đã có những hướng đi rất rõ ràng để sẵn sàng cho năm mới này, gần nhất là các dịch vụ tour phục vụ cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Tết Nguyên đán năm nay, anh Danh (quận Đông Anh, TP Hà Nội) lựa chọn mua vé cho cả gia đình đi du lịch Tây Nguyên. Việc lựa chọn tour du lịch trọn gói vào thời điểm này vừa giúp anh tiết kiệm thời gian, vừa giảm đến 25% chi phí so với việc tự mua vé máy bay và đặt phòng khách sạn.
"Chương trình tour thông thường bên công ty hay đặt vé trước nên chính sách vé sẽ rẻ hơn mình đặt vào dịp cao điểm Tết mọi người đi nhiều", anh Nguyễn Trọng Danh, quận Đông Anh, TP Hà Nội, chia sẻ.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư bài bản vào các sản phẩm du lịch. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Đại diện công ty du lịch Vietravel cho biết, hiện lượng khách tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa phần du khách mua combo vé máy bay, phòng khách sạn với các điểm bay thẳng. Giá tour cũng được thiết kế đa dạng theo mức chi tiêu của du khách.
"Trong nước có các sản phẩm đường bộ với chi phí hợp lý, khoảng 590.000 đồng là du khách có thể du xuân các địa điểm miền Bắc; các sản phẩm đường bộ từ 1.690.000 đồng; các sản phẩm bay đến các vùng nắng ấm như Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc với chi phí trên dưới 10 triệu đồng", ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội, cho biết.
"Với các thị trường xa từ Nhật Bản đổ lên đến thời điểm này đã đóng toàn bộ tour vì liên quan đến yếu tố visa. Còn các thị trường từ Hàn Quốc trở xuống cho đến du lịch trong nước đến nay, chúng tôi nhận được khoảng trên 80% số lượng chỗ chúng tôi đã giữ", ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, cho hay.
Ngành hàng không cũng sẵn sàng cho sự bứt tốc của lĩnh vực du lịch, gần nhất là giai đoạn cao điểm phục vụ Tết Nguyên Giáp Thìn 2024. Hiện các hãng hàng không đã sẵn sàng phương án khai thác bay nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của hành khách trong dịp này.
Có thể thấy, sức bật của năm 2024 này được thiết lập từ các nền tảng đã được tạo ra trong năm 2023 của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng với nhiều chính sách hỗ trợ tích cực mới được đưa ra ngay từ những ngày đầu năm và sự sẵn sàng cho quá trình bứt tốc từ chính các doanh nghiệp.
VTV.vn - Năm 2024, kinh tế Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.14971929060104202-4202-man-gnourt-gnat-ohc-ad-oat-3202-man-auc-na-uad/et-hnik/nv.vtv