Theo nhiều chuyên gia, đến nay tình hình kinh tế, dự trữ ngoại hối và sản xuất, kinh doanh vàng đã thay đổi, cần thiết có những điều chỉnh khung pháp lý này để thị trường vàng ổn định, hiệu quả hơn.
Nhiều thông điệp điều chỉnh thị trường vàng
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định 02 sửa đổi, bổ sung quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23-8-2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng.
Quyết định 02 có hiệu lực kể từ ngày 2-1-2024, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thành phần tham gia tổ giám sát gia công vàng miếng, và bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.
Theo các chuyên gia, quyết định này là một trong những động thái đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước để can thiệp vào thị trường vàng đang có nhiều biến động bất thường những ngày qua. Có thể là phương án Ngân hàng Nhà nước nhập vàng nguyên liệu về gia công vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.
Trong phát biểu tại buổi họp báo về việc triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 vào ngày 3-1, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay nghị định 24 đã phát huy được vai trò vô cùng quan trọng, đó là kiểm soát được thị trường vàng và ổn định tỉ giá, lãi suất, vì vàng có quan hệ với tỉ giá, lãi suất. Tuy nhiên, đến nay cần thiết phải sửa đổi để phù hợp hơn trước diễn biến thị trường vàng hiện nay và đáng ra phải sửa đổi sớm hơn.
Nói rõ hơn, ông Đào Xuân Tuấn, vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, cho biết trong tháng 1-2024 Ngân hàng Nhà nước sẽ có báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện nghị định 24 và kiểm soát thị trường vàng trong thời gian qua. Trong đó sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Nhiều chuyên gia cho biết quyết định 02 cũng như thông điệp của ông Đào Minh Tú đưa ra trong những ngày đầu năm nay, cùng với chỉ đạo trước đó của Thủ tướng Chính phủ trong công điện 1426 về các giải pháp đối với thị trường vàng, cho thấy sẽ có nhiều thay đổi cơ bản trong hành lang pháp lý cũng như điều hành của thị trường này trong thời gian tới.
Trong đó, việc sửa đổi nghị định 24 là một trong những giải pháp căn cơ để đảm bảo thị trường ổn định, phù hợp với điều kiện và tình hình mới của thị trường vàng trong nước cũng như quốc tế.
Đủ điều kiện để sửa nghị định quản lý vàng
Theo doanh nghiệp và chuyên gia, giá vàng SJC thời gian qua biến động khó lường, chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới (quy đổi) có một phần nguyên nhân từ việc không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, trong khi Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu nhưng từ năm 2012 đến nay lại không nhập.
Ông Trương Văn Phước, nguyên chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng nếu như Việt Nam có một lượng vàng nhập khẩu tương đối khá, từ đó gia công chế biến vàng miếng SJC ra thị trường thì khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ được thu hẹp lại.
Do đó, trả vàng lại cho thị trường tự điều tiết là nguyên tắc căn bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Việc điều tiết thị trường hướng đến sự tương thích với thông lệ quốc tế và phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
"Chúng ta có thể nhập khẩu nhiều mặt hàng, với vàng cũng vậy, để giải quyết bài toán cung cầu. Chưa kể, theo quy định pháp luật, vàng miếng là một cấu thành trong dự trữ ngoại hối của Nhà nước. Việc nhập khẩu vàng chỉ là hoán đổi của dự trữ ngoại hối và đáp ứng được nhu cầu của người dân", ông Phước nói.
Ông Nguyễn Nhật Minh, chuyên gia Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng), cho biết từ năm 2014 đến nay Ngân hàng Nhà nước không sản xuất thêm vàng miếng SJC để cung cấp ra thị trường. Trong khi đó người dân có tâm lý tích trữ vàng khiến mặt hàng này càng khan hiếm, đẩy giá tăng cao và nới rộng chênh lệch với giá vàng thế giới.
Bên cạnh đó, nghị định 24 cũng không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu dẫn tới phải chuyển vàng miếng SJC sang sản xuất vàng trang sức. Điều này làm giá vàng miếng SJC ngày càng tăng và chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới.
Để giải quyết vấn đề này, ông Minh cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng phương án nhập khẩu vàng và tái khởi động hoạt động sản xuất vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường.
Trước những lo ngại cho nhập khẩu vàng sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, qua đó ảnh hưởng tỉ giá, lãi suất..., ông Minh cho rằng vấn đề này không thật sự đáng quan ngại. Theo dữ liệu của Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM (SJA), trong giai đoạn từ 1991-2012, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1.000 tấn vàng (trung bình mỗi năm khoảng 45 - 50 tấn).
Vì vậy, nếu tiếp tục nhập khẩu vàng với số lượng như trước đây thì mỗi năm Việt Nam sẽ chi ra khoảng 3 tỉ USD, chỉ chiếm 3% dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023. Điều quan trọng là trong khi giá vàng thế giới trong 28 năm qua (từ năm 1995 tới năm 2023) chỉ tăng khoảng 5,4 lần, từ 387 USD/ounce vào năm 1995 lên 2.078,4 USD/ounce năm 2023 thì dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng 75,5 lần, từ 1,32 tỉ USD (năm 1995) lên 100 tỉ USD (năm 2023 - theo IMF).
"Vì vậy, việc nhập khẩu vàng có kiểm soát để tăng nguồn cung vàng miếng trong nước không ảnh hưởng quá nhiều đến dự trữ ngoại hối quốc gia", ông Minh kết luận.
Nghiên cứu vàng tín chỉ...
Theo nhiều chuyên gia, cần ghi nhận nghị định 24 đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỉ giá và thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ khi hơn 10 năm qua, dù giá vàng tăng giảm thất thường nhưng tỉ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã có nhiều sự thay đổi, nhất là với sự xuất hiện của tiền ảo, tài sản ảo và các sàn giao dịch vàng, ngoại tệ... nên việc xem xét, điều chỉnh lại nghị định 24 để phù hợp hơn là rất cần thiết, từ đó mở đường cho thị trường vàng Việt Nam có thể liên thông hơn với thị trường vàng khu vực và thế giới.
Trong khi đó, TS Đinh Tuấn Minh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (Massei), cho rằng thay vì mua bán vàng miếng, nên tính toán giải pháp chuyển sang "tín chỉ" vàng để giải quyết bất cập.
Tức là, thay vì giao dịch bằng vàng vật chất, thị trường mua bán bằng "tín chỉ" do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Giả sử Ngân hàng Nhà nước có 1.000 lượng vàng thì sẽ phát hành tương đương 1.000 tín chỉ để mua bán. Tín chỉ vàng đó được cầm cố, thế chấp, mua bán một cách thuận lợi khi người dân có nhu cầu.
Về tên gọi và cách thức, hình thức phát hành, ông Minh cho rằng có thể tính toán thêm để phù hợp với thị trường Việt Nam. Có nhiều cách gọi đối với hình thức này, như "vàng số", "vàng giấy", "tín chỉ" hay "chứng chỉ" vàng... Tuy nhiên, dù cách thức như thế nào thì cũng nên coi việc giao dịch vàng như các loại hàng hóa khác, và tương tự, tiệm cận với cách thức thế giới đang sử dụng.
"Bất kỳ khi nào người dân có nhu cầu quy đổi ra vàng vật chất thì vẫn có thể đến địa điểm giao dịch, nhưng tôi tin với hình thức này những người mua bán vàng để đầu tư hưởng chênh lệch giá sẽ thấy thuận tiện hơn rất nhiều", ông Minh phân tích.
Hơn nữa, với vàng tín chỉ thì không phải bỏ lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu, mà vẫn đáp ứng được nhu cầu người dân. Đồng thời tiến tới chuẩn hóa vàng như các loại hàng hóa khác như cổ phiếu, trái phiếu, thậm chí như cà phê... "Giờ là thời kỳ 4.0, 5.0, thị trường vàng cũng cần áp dụng công cụ hiện đại để xử lý triệt để sự méo mó, bất cập", ông Minh chia sẻ thêm.
Chuẩn hóa thị trường vàng trang sức
Theo TS Đinh Tuấn Minh, không chỉ vấn đề SJC độc quyền mà thị trường vàng Việt Nam vốn đã tạo tính cục bộ, không liên thông. Thị trường vàng Việt Nam nhiều năm qua vẫn còn tình trạng "mua đâu bán đó", biểu hiện sự không đúng về bản chất hàng hóa, nguyên tắc thị trường.
Vấn đề đặt ra, theo vị chuyên gia, là cần xây dựng được một thị trường chuẩn hóa, liên thông. Nếu vàng 9999 ở các thương hiệu được chuẩn hóa thì sẽ giảm chênh lệch với SJC.
Xóa độc quyền sản xuất vàng miếng
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, chỉ ra rằng chính từ sự độc quyền phát hành vàng miếng SJC mà chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bắt đầu nới rộng. Dữ liệu thể hiện, từ năm 2020 trở đi, giá vàng trong nước bỏ rất xa thế giới, có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, bản chất giá vàng nhẫn 9999 của các thương hiệu c.n lại cùng một loại sản phẩm với hàm lượng như nhau vẫn tiệm cận với giá thế giới.
Theo đó, ông Huân cho rằng cần có giải pháp nhập khẩu vàng để sản xuất nhiều vàng miếng SJC hơn, khi nguồn cung dồi dào, giá sẽ bình ổn trở lại. Nếu lo ngại nhập vàng làm giảm dự trữ ngoại hối, thì cần cho phép nhiều đơn vị kinh doanh vàng tham gia vào gia công và sản xuất vàng miếng với vàng nguyên liệu được thu mua trong dân.
"Điều này sẽ giúp cho thị trường vàng miếng chuyển từ độc quyền sang độc quyền nhóm hoặc cạnh tranh. Tất nhiên cần có lộ trình và bước đi phù hợp.", ông Huân nói.
Giá vàng thế giới tăng một mà trong nước tăng ba là không chấp nhận được. Nguồn vốn đưa vào nền kinh tế năm 2024 sẽ phải mạnh hơn và quyết liệt hơn.