Thị trường tài chính của Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng mới khi tập đoàn quản lý tài sản khổng lồ Zhongzhi Enterprise Group hôm 5/1 nộp đơn xin phá sản vì không thể trả được các khoản nợ đáo hạn và tài sản cũng không đủ để trả tất cả khoản nợ. Thông tin này khiến giới đầu tư và người tiêu dùng tại Trung Quốc thêm lo lắng.
Tòa án này đã chấp thuận đơn xin phá sản của Zhongzhi theo luật phá sản doanh nghiệp Trung Quốc. Trước đó, Zhongzhi đã tuyên bố vỡ nợ với khoản nợ ước tính lên tới gần 66 tỷ USD.
Trước đó, cảnh sát Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra hình sự một số lãnh đạo Zhongzhi. Tập đoàn này quản lý khối tài sản lên tới hơn 140 tỷ USD và đã rót vốn cho rất nhiều nhà phát triển địa ốc.
Việc kinh doanh của Zhongzhi chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Vì vậy, thông tin trên đang làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng địa ốc sẽ lan sang lĩnh vực ngân hàng ngầm có quy mô 3.000 tỷ USD tại Trung Quốc.
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể mất hàng chục tỷ USD vì Zhongzhi, sau khi thông tin về tình trạng mất khả năng thanh toán nghiêm trọng và sự thiếu hụt hàng chục tỷ USD trong bảng cân đối kế toán của Zhongzhi được công bố.
Zhongzhi được biết đến là một ngân hàng ngầm (shadow banking) tại Trung Quốc, huy động vốn của các hộ gia đình để cho vay hoặc đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa. Shadow bank (ngân hàng bóng tối) được định nghĩa là hệ thống trung gian tín dụng liên quan đến các thực thể và các hoạt động không thuộc hệ thống ngân hàng thông thường.
Một lượng tiền lớn của các nhà đầu tư giàu có Trung Quốc đã rót vào Zhongzhi thông qua các sản phẩm có lãi suất cao, nhưng họ có thể chỉ lấy lại được một phần nhỏ.
Mặc dù thị trường bất động sản Trung Quốc chìm trong khủng hoảng, nhưng Zhongzhi và các công ty liên quan vẫn đổ một lượng tiền lớn cho các nhà phát triển địa ốc cũng như thu mua tài sản từ các công ty, trong đó có China Evergrande, một tập đoàn bất động sản của Trung Quốc đã tuyên bố phá sản.
Zhongzhi hiện ở trong tình trạng thanh khoản cạn kiệt. Số tiền thu hồi được từ việc thanh lý tài sản của tập đoàn này dự kiến sẽ ở mức thấp.
Chia sẻ với Reuters, luật sư Ying Yue tại công ty luật Leaqual cho biết việc nộp đơn xin phá sản để giúp họ đẩy nhanh quá trình thanh lý tài sản. Tuy nhiên, quy trình của tòa án có thể chậm và nhà đầu tư nhiều khả năng chỉ được nhận khoảng 30% số tiền, dựa theo các vụ phá sản trước.