Hai lãnh đạo Bộ phủ nhận cáo buộc
Trong tuần đầu của phiên tòa sơ thẩm đại án Việt Á (từ ngày 3 – 5/1), các bị cáo đều bày tỏ ăn năn, hối hận, nhận thức hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, hai bị cáo phủ nhận một phần cáo buộc là Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN).
Theo đó ông Long bị cáo buộc thông qua thư ký Nguyễn Huỳnh gợi ý Phan Quốc Việt đưa tiền với 4 lần là 2,25 triệu USD (tương đương 51 tỷ đồng). Trong đó, ông Long thừa nhận việc nhận tiền nhưng phủ nhận việc gợi ý đưa.
“Khi Huỳnh nói đưa tiền, đã là 10 tháng sau khi kít test của Việt Á được cấp phép tạm thời, tôi có hỏi lại cụ thể số tiền thì Huỳnh nói họ làm ăn được nên cảm ơn. Không có chuyện sau thời gian dài, test của Việt Á được cấp phép tạm thời, tôi lại nhắc Huỳnh gợi ý Việt Á đưa tiền. Tôi không nhớ rõ mình nói những gì với Huỳnh nhưng không có chuyện gợi ý đưa tiền”, bị cáo khai.
Trường hợp của cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng phủ nhận việc nhận 50 nghìn USD của Việt Á. “Bị cáo nhớ sau cuộc họp, Việt muốn đến thăm và để lại bộ kit, nói là “có cành đào tết để tặng”, nhưng khi mở ra thì thấy ngoài bộ kit còn có 2 cọc tiền trị giá 50 triệu đồng, tổng 100 triệu đồng”, ông Tạc khai.
Về phần này, HĐXX gọi Phan Quốc Việt chất vấn, Việt trả lời bản thân không nhớ vì số tiền đó do người khác sắp xếp, không phải đích thân Việt chuẩn bị.
Tuy nhiên, phiên xét xử ngày 5/1, Việt xác nhận lại việc đã đưa 50 nghìn USD. Theo bị cáo, số tiền được bị cáo rút và đổi ra tiền đô ở Đà Nẵng rồi bay ra Hà Nội. Theo “quy tắc cảm ơn” của Việt Á sẽ căn cứ vào chức vụ, sự giúp đỡ, lợi nhuận,…để cảm ơn và con số 50 nghìn USD là thường dùng.
Chu Ngọc Anh “không tìm thấy 200.000 USD” của Việt Á?
Trong vụ án, bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN) bị cáo buộc nhận 20 nghìn USD, tương đương 4,6 tỷ đồng của Việt Á). Tại phiên tòa ngày 5/1, bị cáo thừa nhận số tiền này và cho biết đã khắc phục toàn bộ, song lại đưa ra lời khai vòng vo về đường đi của số tiền.
Dù trước đó, trong ngày xét xử đầu tiên, bị cáo cho hay, sau khi phát hiện túi quà cảm ơn có tiền nên đã cất vào vali, có dịp công tác sẽ trả lại. Tuy nhiên, đến khi bị bắt vẫn chưa kịp trả.
Tại phiên ngày 5/1, khi HĐXX hỏi, tại sao không trả tiền USD trong vali đó mà đổi sang tiền Việt. Bị cáo đáp, do người nhà tìm không thấy, nên đã khắc phục bằng tiền Việt.
Loạt sổ tiết kiệm trăm tỷ đứng tên mẹ ông chủ Việt Á
Phiên xét xử chiều 4/1, HĐXX cho biết, hiện Việt có 3 tài khoản và 55 sổ tiết kiệm (tương đương 321 tỷ đồng) bị phong toả. Ngoài ra, còn 52 sổ tiết kiệm trị giá 142 tỷ đồng do mẹ bị cáo này đứng tên, cùng 2 sổ tiết kiệm trị giá 20 tỷ đồng do con bị cáo (14 tuổi) đứng tên.
Việt cho biết, bản thân sẽ khắc phục bằng tất cả những tài sản mà mình đứng tên. Riêng tài khoản mà mẹ bị cáo đứng tên là tiền Việt trả nợ cho mẹ trong suốt quá trình dài gây dựng công ty. Tài sản này thuộc về mẹ của bị cáo.
HĐXX đưa ra câu hỏi: Bị cáo có thể chứng minh đó là tiền trả nợ hay không? Có giấy tờ vay mượn gì không? Đó là số tiền lớn, bị cáo nghĩ mẹ lấy đâu ra mà cho vay nhiều như vậy?
Việt trả lời, tất cả khoản vay đều không có giấy tờ gì. Về nguồn gốc tiền, có thể mẹ vay mượn thêm người thân, bạn bè.
HĐXX cho rằng điều này là vô lý, vì “bố con còn chưa tin được nhau”, vay mượn người ngoài mà không có giấy tờ thì khó thuyết phục.
HĐXX cho biết đã có giấy triệu tập nhưng mẹ bị cáo không có mặt. Theo Hồ Thị Thanh Thuỷ (vợ Phan Quốc Việt), mẹ chồng không nhận được giấy, nhưng cũng đang trên đường ra Hà Nội.
Bị cáo từ chối nhận tiền
Trong vụ án liên quan đến Việt Á, bị cáo Nguyễn Thành Danh (cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương) là một trong số ít người từ chối nhận tiền “cảm ơn” của Việt Á.
Tại phiên xét hỏi, ông Danh thừa nhận nội dung truy tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng bối cảnh lúc đó khiến bản thân vô tình phạm tội.
Bị cáo giải thích: “Bản thân không có yếu tố vụ lợi khi ký các hợp đồng với Việt Á. Bị cáo không nhận được lợi ích vật chất gì từ Việt Á”.
Với cương vị Giám đốc CDC Bình Dương, ông Danh đã tạm ứng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á và Công ty VNDAT sử dụng trước rồi sau đó hợp thức thanh toán, thông qua 5 gói thầu và 7 hợp đồng trị giá hơn 82 tỷ đồng, cáo buộc thiệt hại gây ra là 55 tỷ đồng.
Ông Danh phân trần, quá trình ký hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm với Việt Á "không có ai thỏa thuận đưa lợi ích vật chất hay trích phần trăm lại cho bị cáo".
Về sau khi được nhân viên của Việt Á gửi tiền, ông Danh từ chối nhận với câu nói “tôi sắp về hưu không dính dáng gì đến tiền nong gì cả”. Tại toà, đại diện CDC Bình Dương cũng trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Danh và một số cá nhân khác tại CDC tỉnh này.
Trước đó, TAND thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra liên tục trong 20 ngày, kể từ 3/1/2024, tuy nhiên, ngày cuối tuần (6 và 7/1) toà thông báo tạm nghỉ và sẽ tiếp tục vào ngày sáng 8/1. Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.