Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc khối Chứng khoán của quỹ đầu tư Dragon Capital (DCVFM), cho rằng thị trường chứng khoán năm nay có nhiều thuận lợi hơn trước, từ chính sách tiền tệ, sự ổn định về vĩ mô đến động lực tăng trưởng. Theo ông, thị trường đã hội tụ gần đủ các yếu tố để tăng trưởng, chỉ chờ "ngọn gió đông" duy nhất là sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
"Nếu lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi khoảng 20%, thị trường chứng khoán chắc chắn có đợt tăng 30%", ông Tuấn dự báo.
Về chính sách tiền tệ, chuyên gia này cho rằng lãi suất cho vay và huy động ở mức thấp hơn giai đoạn Covid-19 và trong ngưỡng thấp kỷ lục là chỉ báo hàng đầu. Trong vòng 4-5 tháng tới, DCVFM kỳ vọng lãi suất sẽ còn thêm một nhịp giảm, khoảng 50 điểm phần trăm. Cơ sở cho dự báo trên là dư địa để điều chỉnh vẫn còn khi lãi suất điều hành đang ở mức cao hơn lạm phát và trong thời gian tới câu chuyện tăng trưởng nền kinh tế mới đáng quan tâm hơn.
Ngoài ra, thế giới đang nghiêng về kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất 6-7 lần trong năm nay, thay vì chỉ 3-4 lần như những dự báo trước. Thêm vào đó, từ cuối năm 2023, lần đầu tiên số lượng ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất đã cao hơn số lượng tăng lãi. Đây sẽ là động lực hỗ trợ cho chính sách tiền tệ của Việt Nam nới lỏng.
"Trong môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng như thế, chúng ta không nên kỳ vọng vào những cú rớt mạnh 10-15% của thị trường chứng khoán", chuyên gia này nói.
Về sự ổn định, ông Tuấn đánh giá cao chỉ báo về biến động tỷ giá. DCVFM dự báo biến động của tỷ giá USD/VND năm nay chỉ trong phạm vi trên dưới 3%, mức bình thường không đáng lo ngại, cho thấy sự ổn định nhất định của nền kinh tế. Kịch bản này được đưa ra khi chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chợ đen và ngân hàng không cao, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng đang ở mức lớn (khoảng 100 tỷ USD).
Về tốc độ phục hồi của nền kinh tế, DCVFM đánh giá đã có sự rõ nét hơn trong năm nay. Đơn vị này dựa trên chỉ báo lượng container xuất cảng đã tăng liên tiếp trong hai quý cuối năm với quý IV tăng hơn 10% (nhưng so với mức nền quá thấp năm ngoái). Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ điện năng - chỉ số giúp phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh - cũng đã nhích lên tuy còn yếu so với giai đoạn trước. Các chỉ số về lượt khách hàng không, mức tiêu dùng cũng tạo đáy từ quý II/2023 và bắt đầu nhích lên vào cuối năm...
Theo ông Lê Anh Tuấn, hiện tại kinh tế Việt Nam bắt đầu chu kỳ hồi phục. Thống kê dữ liệu lịch sử trong nước và thế giới của DCVFM cho thấy ở chu kỳ này, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận khoảng 20% từ thị trường chứng khoán. Mức hiệu suất này cao hơn cả khoảng thời gian kinh tế vào giai đoạn hưng thịnh. Ở chu kỳ phục hồi, các ngành mang tính biến động lớn như hàng hoá và dịch vụ tài chính, bất động sản, tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ thông tin, công nghiệp và nguyên vật liệu thường là nhóm hưởng lợi. Ngược lại, các ngành tiêu dùng thiết yếu, y tế, năng lượng, truyền thông và tiện ích (điện, nước) lại không được ưu tiên.
Không chỉ Dragon Capital, nhiều công ty chứng khoán và đơn vị phân tích khác cũng cho rằng thị trường sẽ tươi sáng hơn trong năm nay. Hầu hết đơn vị đều đưa ra dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt quanh 1.300 điểm, thậm chí lạc quan hơn là lên 1.400 điểm, tức tăng 15-25% so với cuối năm trước. Luận điểm chính cho dự báo của các bên cũng đều xuất phát từ mặt bằng lãi suất thấp và kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên.
Chứng khoán MB (MBS) dự phóng lợi nhuận ròng thị trường sẽ tăng 16,8% so với cùng kỳ, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường sẽ vào quý cuối năm nay, chủ yếu là do nền thấp của cùng kỳ năm 2023.
Có mức dự phóng khá tương đồng, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng năm 2024 sẽ là giai đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại đà hồi phục của hầu hết nhóm ngành với mức tăng trưởng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) toàn thị trường có thể đạt ngưỡng 16,4%.
Theo KBSV, xu hướng hồi phục mặt bằng lợi nhuận có thể rõ nét hơn trong năm 2024 dựa trên mức nền thấp của năm trước, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất bắt đầu thẩm thấu vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, bức tranh sáng hơn cho diễn biến vĩ mô của Việt Nam và kỳ vọng cho một cuộc "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ.
Tất Đạt