Còn với khán giả, nhất là những ai làm cha mẹ, xem cuộc đoàn tụ chị Lạc em Hồng trong tập 172 chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly cảm thấy nghẹn lòng.
Chỉ vì gia đình tan vỡ, chị em họ đã phải ly tán khi mới 6, 7 tuổi. Mãi tận 40 năm sau, nhờ Như chưa hề có cuộc chia ly mới có thể đoàn tụ.
Trailer Như chưa hề có cuộc chia ly tập 172
Nước mắt gặp lại Như chưa hề có cuộc chia ly
Khi mới tiếp cận với trường hợp ly tán này, ê kíp Như chưa hề có cuộc chia ly nỗ lực để tìm kiếm và kết nối.
Thế nhưng khi tìm ra chị Lạc thì chị Hồng lại "biến mất". Hai số điện thoại đăng ký liên lạc của chị không liên hệ được. Thời gian lại phải trôi qua thêm 3 năm nữa mới có cuộc đoàn tụ này.
Nhìn hai chị em ràn rụa nước mắt, ôm nhau mãi không muốn bỏ ra, khán giả xem trực tiếp lẫn trên màn hình nhỏ cũng khó lòng kìm được nước mắt.
Trong phút giây cảm động, chị Lạc hỏi em: "Em còn nhớ cái thẹo hồi nhỏ không. Cái thẹo ở cái mụn nhọt ở con mắt bên phải. Chị bảo, mẹ ơi mắt em con chảy máu".
Chị Hồng trả lời: "Còn. Còn đây nè, làm sao mà hết được. Để mai mốt em đi thẩm mỹ nó mới hết được".
Một cảnh gây xúc động đó là khi ê kíp sản xuất trao cho chị Hồng tấm ảnh chụp hai chị em với cha. Đây là bức ảnh duy nhất chị Lạc gìn giữ để làm đầu mối đi tìm em mình.
Nhìn tấm hình, chị Hồng khóc nghẹn, xúc động nói: "Cuộc đời tuổi thơ ai cũng muốn mình có một mái ấm. Có cha có mẹ. Có chị có em. Nhưng mà cuộc đời cứ xô đẩy mỗi đứa một nơi. Đến ngày mẹ mất cuối đời mẹ nói con ráng tìm chị con. Tâm nguyện của em nay đã làm xong rồi. Em không mong muốn gì nữa. Chỉ chờ ngày chị về thắp nhang cho mẹ là em mãn nguyện rồi. Em chết em cũng vui".
Trí nhớ bắt đầu từ ký ức buồn
Hai chị em Minh Lạc (thường gọi là Trúc), Minh Hồng (gọi là bé Đen) là con ông Tư Kiên (tên khác là ông Chi), vốn định cư ở Campuchia về làm quân y.
Mẹ là bà Huỳnh Thị Ơn ở Cần Thơ lên Tây Ninh sinh sống. Hai người lấy nhau không được bên nhà gái tán thành, vì lúc ấy ông Tư đã 60 tuổi, bà Ơn thì còn trẻ.
Minh Lạc ra đời trước ngày thống nhất một tuần. Rồi năm sau là Minh Hồng.
Điều khá lạ là cả hai chị em đều không còn nhớ về thời thơ ấu êm đềm. Trí nhớ của họ bắt đầu từ năm 1982 - thời điểm mẹ giận ba, bỏ về nhà ngoại. Sau đó bà quay lại đưa các con đi theo.
Trong cuộc chia tay của cha mẹ, người khổ nhất là con cái. Lạc, Hồng cũng không nằm ngoài nhận định ấy.
Sau khi cha mẹ ly hôn, chị Lạc sống với cha. Hai cha con lang bạt khắp nơi. Lúc đầu họ về Long Xuyên, sau đó lại lên TP.HCM rồi ra Vũng Tàu.
Chị Lạc thương ba, biết ba là người thân duy nhất của mình nhưng chị không tâm sự với ba hay là nói những lời yêu thương.
"Giờ nghĩ lại thì thấy ba thương con nhiều lắm. Nhưng mà hồi đó không biết là ba thương. Cứ nghĩ là ba khó, ba làm cho mình sợ. Có lẽ ba khổ lắm", chị rơm rớm nước mắt nói.
Rồi hai cha con giận nhau, không nhìn mặt nhau. Lần gặp gỡ cuối là lúc ba chị mất.
Năm 1991, ông Tư bị cảm giữa đường, người ta thấy địa chỉ nhà dượng Tư trong túi thì đưa ông về. Một tuần liền, người nhà đi tìm con cho ông. Nhưng không kịp, ông mất không nhắm mắt.
Sau này, chị Lạc phụ quán cơm, rồi lấy chồng, có ba cô con gái. Năm 19 tuổi, chị có trở về quê mẹ để tìm em nhưng cảnh vật đã thay đổi quá nhiều.
Còn cuộc đời chị Hồng cũng chẳng sáng sủa hơn. Chị ở với mẹ bên quê ngoại. Cuộc sống hằng ngày vô cùng khó khăn. Rồi mẹ chị mất. Sau đó là nhà cháy. Chị bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống.
Mãi đến 2010, chị mới lập gia đình, nhưng vừa có tin vui thì biết chồng có gia đình khác nữa. Chị bỏ đi, cắt mọi liên lạc từ đó.
Chị Hồng lên chùa, tới lui chùa một thời gian xong rồi hai mẹ con bắt đầu về chùa ở luôn.
Năm 2018, chị bị bệnh, chuyển về sống tại am do phật tử cúng dường, tại Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thị xã Phú Mỹ tới Suối Nghệ - nơi có nhà của chị Lạc - chỉ cách nhau khoảng 20km. Hai chị em họ giờ đã có thể thường xuyên gặp gỡ nhau, sau 40 năm xa cách.
Tháng 12-2023 có 8 cuộc chia ly được tìm ra.
695 đầu thông tin mới được xử lý.
110 hồ sơ tìm kiếm mới được thiết lập.
Hình ảnh cô Phạm Thị Minh Nguyệt ngồi sụp xuống ôm mẹ, khóc tu tu như một đứa trẻ trong tập 171 Như chưa hề có cuộc chia ly khiến người xem thương ơi là thương.