Lớp mù này tồn tại từ sáng tới chiều. Trời nhiều mây kèm nắng nóng gây ra cảm giác oi bức. Các chỉ số quan trắc cho thấy chất lượng không khí tại TP.HCM không tốt.
Theo ông Lê Đình Quyết - trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, không khí lạnh đang tiếp tục được tăng cường yếu lệch đông ra biển. Nhiễu động gió đông trên cao tác động yếu đến miền Nam.
Bên cạnh đó, độ ẩm từ biển được đẩy vào đất liền hình thành lớp mây tầng thấp. Ban đêm có mưa một số nơi, độ ẩm không khí cao nên tạo lớp mù.
Còn bà Lê Thị Xuân Lan - nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - nhận định đây là sương mù hỗn hợp (gồm mù khô và sương mù). Theo bà Lan, hiện tượng này báo động không khí ô nhiễm.
"Cuối năm xe cộ nhiều, việc xây dựng sửa chữa nhà cửa tăng cao đã phát tán lượng bụi vào không khí. Lớp mù báo hiệu chất lượng không khí không tốt. Mù khô cộng với gió mạnh, chất ô nhiễm nằm tầm thấp khiến chúng ta hít thở vào gây ảnh hưởng sức khỏe. Do đó thời điểm này nhiều người sẽ bị ho, nghẹt mũi, khó thở", bà Lan cảnh báo.
Còn kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM những giai đoạn cuối tháng 12-2023 cho thấy bụi lơ lửng, bụi mịn tại TP vượt chuẩn.
Các số liệu này được quan trắc hằng ngày, bụi lơ lửng (TSP) có 19,48% số liệu vượt quy chuẩn Việt Nam. Đồng thời có 4,55% số liệu của nồng độ bụi mịn PM10, PM2.5 không đạt quy chuẩn.
Thời tiết TP.HCM những ngày qua nắng nóng. Nhiệt độ ngày và đêm chênh nhau hơn 10 độ C, do đó người dân cần chú ý để tránh sốc nhiệt.
Ngay trong sáng 29-12, hiện tượng "trời mù" đã xuất hiện tại TP.HCM sau khi chiều hôm qua có mưa. Kết quả quan trắc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tính đến 17-12 cho thấy TP bị ô nhiễm bụi mịn, bụi lơ lửng.