Ngày 7-1, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Chè Việt Nam - Công ty Cổ phần và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Góp vốn đất không qua đấu giá
Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Thiện Toàn, nguyên tổng giám đốc, phụ trách hội đồng thành viên Tổng công ty Chè Việt Nam.
Quá trình mở rộng điều tra, ngày 5-1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với hai người gồm: Đặng Ngọc Cầm và Nguyễn Quốc Khánh, đều là thành viên hội đồng thành viên Tổng công ty Chè Việt Nam.
Kết quả điều tra xác định cả hai ông đã có hành vi ký các nghị quyết của hội đồng thành viên Tổng công ty Chè thống nhất góp vốn và thoái vốn là quyền sử dụng khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM không thông qua đấu giá công khai theo quy định, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn quyết định và lệnh tố tụng trên, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triển khai thi hành lệnh bắt tạm giam, thực hiện khám xét nơi ở và nơi làm việc của các bị can.
Theo Trung tướng Xô, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, giám sát.
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương mở rộng điều tra vụ án, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để kê biên, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Sau thoái vốn, "đất vàng" rơi vào tay tư nhân
Trước đó, từ tháng 9-2020, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam.
Một trong những sai phạm nghiêm trọng nhất được chỉ ra là việc mang nhiều cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đi góp vốn liên doanh, liên kết tại Tổng công ty Chè.
Cơ quan thanh tra cho biết theo hồ sơ tài liệu được cung cấp, liên quan đến 12 khu đất với tổng diện tích hơn 68.500m2, trước khi cổ phần hóa, hội đồng quản trị, ban giám đốc Tổng công ty Chè đưa đi góp vốn liên doanh, liên kết bằng giá trị quyền sử dụng các khu đất, thoái vốn, chuyển nhượng giá trị đầu tư.
Tuy nhiên đến nay hầu hết các cơ sở nhà đất này, trong đó có những khu đất rộng cả ngàn mét vuông, những khu có vị trí đắc địa tại Hà Nội và TP.HCM, đều rơi vào tay tư nhân.
Với khu đất "vàng" ở số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM), cơ quan thanh tra xác định có diện tích 446,8m2 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường ký các hợp đồng, phụ lục hợp đồng cho chi nhánh Tổng công ty Chè - Công ty TNHH MTV tại TP.HCM thuê đất.
Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Chè lập dự án đầu tư xây dựng công trình nhà làm việc và văn phòng cho thuê.
Vào năm 2009, hội đồng quản trị tổng công ty có nghị quyết phê duyệt chủ trương hợp tác cho thuê làm văn phòng lâu dài với Công ty TNHH xây dựng - thương mại - dịch vụ GB, thời hạn cho thuê theo hợp đồng đã được ký kết là 35 năm.
Tuy nhiên, đến năm 2013 hội đồng quản trị tổng công ty có nghị quyết thực hiện việc thoái vốn là tài sản tại số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, không thông qua đấu giá. Và tại thời điểm thanh tra, khu đất này do Công ty GB quản lý sử dụng và được TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Trương Thanh Phong - cựu tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam - cùng hai người khác bị khởi tố, bắt tạm giam vì có sai phạm trong việc quản lý, sử dụng khu đất tại địa chỉ 132 Bến Vân Đồn.