Cần có giải pháp để người dân bớt đi lại xa xôi
Liên quan vụ "Từ TP.HCM ra Bình Thuận đóng phạt nguội, chạy qua chạy lại cuối cùng 'bó tay'", nhiều bạn đọc cho rằng nên có giải pháp giúp cho người dân không phải đi lại xa xôi, đỡ tốn thời gian, tiền bạc.
Về vấn đề này, một cán bộ cảnh sát giao thông Phòng PC08 Bình Thuận cho biết: qua kiểm tra đơn vị chuyển phát thư (thông báo phạt nguội) 2 lần, thông báo cho chủ cũ được nêu trong bài.
Thời điểm vi phạm chủ cũ vẫn chưa sang tên cho chủ mới nên chủ cũ phải ra giải quyết. Cán bộ cảnh sát giao thông giải thích thêm do chủ mới không phải là người thực hiện hành vi vi phạm nên không thể lập biên bản đối với chủ mới.
Như vậy, chủ cũ phải ra Phòng PC08 Bình Thuận để giải quyết vụ việc về hành vi vi phạm liên quan đến xe của mình, tường trình vì sao không nhận được giấy thông báo phạt nguội. Từ đó, Phòng PC08 Bình Thuận xem xét, giải tỏa lỗi vi phạm (vì quá thời hiệu xử lý vi phạm hành chính 1 năm).
"Có nhiều lý do khách quan mà người dân không nhận được giấy thông báo như: Chủ xe vắng mặt không có ở nhà, thay đổi địa chỉ ghi trên giấy đăng ký xe, đi nước ngoài… Nhưng cũng phải tường trình với cảnh sát giao thông để Phòng PC08 Bình Thuận xác minh.
Nếu đúng thì giải tỏa lỗi và gửi đề nghị đăng kiểm cho chủ xe, không phải cứ quá thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là được giải tỏa lỗi vi phạm", cán bộ cảnh sát giao thông giải thích.
Công an các địa phương nên kết nối để xác minh, giải quyết
Nhiều người cho rằng quy trình giải quyết vi phạm quá thời hiệu và xác minh còn rườm rà và đề xuất được xử lý tại địa phương nơi cư trú để đỡ đi lại, tốn thời gian, công sức.
Tuy nhiên, theo cán bộ cảnh sát giao thông Bình Thuận, đối với vi phạm tốc độ bị phạt nguội phải xác định người điều khiển xe mới lập biên bản, sau đó mới ra quyết định xử phạt được.
"Gửi giấy thông báo chỉ là bước xác định được xe vi phạm, còn chưa xác định được người điều khiển xe. Chúng tôi phải xác định được ai là người cầm lái thì mới lập biên bản, ra quyết định xử phạt được. Chủ xe phải có trách nhiệm phối hợp với công an chứng minh người điều khiển xe vi phạm. Nếu không chủ xe phải là người chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm đó", cán bộ cảnh sát giao thông giải thích thêm.
Một chuyên gia về lĩnh vực giao thông gợi ý trong trường hợp quá thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, người dân (người không nhận được giấy thông báo vì lý do khách quan) có thể ra đội cảnh sát giao thông nơi cư trú để trình bày lý do.
Lúc đó, đội cảnh sát giao thông (nơi người dân cư trú) có thể kết nối với cơ quan công an nơi phát hiện lỗi vi phạm để phối hợp xác minh, giải quyết. Sau khi xác minh xong, giải tỏa lỗi cho người dân đi đăng kiểm và tránh phiền hà phải đi quãng đường xa giải quyết, mất thời gian.
"Tôi đề xuất khi quá thời hiệu xử lý vi phạm hành chính vì lý do khách quan, người dân có thể giải quyết tại địa phương, tránh đi xa, tốn kém thời gian, tiền bạc. Vì các dữ liệu, thông tin của người dân đã kết nối nên thủ tục, quy trình cần gọn gàng, nhanh chóng", vị này góp ý.
Vị chuyên gia gợi ý thêm nếu đã liên thông dữ liệu, cơ quan chức năng nên nghiên cứu giải quyết việc xác minh, xử lý vi phạm quá hạn trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đỡ mất thời gian của dân.
Nhiều người dân phản ảnh bị từ chối đăng kiểm do 'dính' phạt nguội, nhưng oái oăm thay họ lại không nhận được thông báo phạt nguội và cũng không xử lý sự việc tại nơi cư trú được.