Các nhà sưu tập trẻ, giàu có ở châu Á đang thúc đẩy nhu cầu về các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt thông qua các kênh trực tuyến. Họ trở thành những khách hàng quan trọng đối với các nhà đấu giá quốc tế.
Mặc dù là những nhà đầu tư mới đối với thị trường, thế hệ Z (Gen Z – những người trong độ tuổi từ 12-27) và thế hệ Millennials (từ 28-43 tuổi) đã tăng cường chi mua các tác phẩm nghệ thuật.
Theo khảo sát Art Basel & UBS Survey of Global Collecting 2023, chỉ nửa đầu năm 2023, thế hệ Millennials châu Á đã chi 59.785 USD cho tranh và đồ cổ, trong khi Gen Z châu Á chi 56.000 USD. So với năm 2022, cả năm hai nhóm đối tượng này mới chi được lần lượt là 61.820 USD và 65.000 USD
Nhà đấu giá Christie's cho biết: “Châu Á là động lực chính cho hoạt động mua sắm của người trẻ toàn cầu tại Christie's”.
Một người phát ngôn chia sẻ với CNBC rằng trong phiên đấu giá Hong Kong 2023 Autumn Auctions của Christie's, Trung Quốc đại lục có đóng góp hàng đầu, tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.
Các nhà đấu giá quốc tế hàng đầu Sotheby's và Phillips cũng báo cáo các nhà sưu tập trẻ châu Á tăng mua trong những năm gần đây.
Theo người phát ngôn, trong nửa đầu năm 2023, thế hệ Millennials chiếm gần 40% số người mua của Christie's ở Châu Á Thái Bình Dương và 20% ở Châu Mỹ, Châu Âu và Trung Đông. Một báo cáo từ nhà đấu giá cho thấy số người mua Gen Z mới tăng 65% vào năm 2023.
Báo cáo thường niên mới nhất của Phillips cho thấy thế hệ Millennials chiếm gần 1/3 số người mua toàn cầu và 40% người mua châu Á vào năm 2022.
Báo cáo năm 2023 của Sotheby cho biết hoạt động đấu giá của các nhà sưu tập trẻ tuổi đã tăng từ mức 6% vào năm 2018 lên 30% trong nửa đầu năm 2023.
Họ đang sưu tập những gì?
Những người trẻ tuổi có cái nhìn khác về nghệ thuật và việc mua sắm của họ cũng tương phản với sở thích của thế hệ cũ.
Báo cáo của Art Basel & UBS cho biết, năm ngoái, thế hệ Millennials chi tiêu nhiều nhất cho các tác phẩm điêu khắc, tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, ảnh, phim ảnh hoặc video nghệ thuật. Còn những nhà đầu tư Gen Z ưa chuộng nghệ thuật kỹ thuật số và tranh in.
Giám đốc bán hàng Erin Remington tại phòng trưng bày Saatchi Art cho biết các nhà sưu tập trẻ tuổi bị thu hút bởi những tác phẩm mang tính tượng hình. Những người trẻ tuổi cũng có nhu cầu về những bức tranh phong cảnh siêu thực khắc họa không gian tâm linh.
Nhà môi giới nghệ thuật trực tuyến Artsy cho biết có tới 64% người mua trẻ tuổi (từ 18 đến 36) cảm thấy điều quan trọng là phải có các nghệ sĩ mới nổi trong bộ sưu tập của họ.
Đại diện Christie's cho biết thêm rằng ở châu Á, những người mua thuộc thế hệ Millennials đang sưu tập cả tác phẩm nghệ thuật đương đại và cổ điển của châu Á, “phản ánh mong muốn kết nối với cội nguồn và văn hóa của họ”.
Tại cuộc đấu giá mùa thu ở Hồng Kông năm 2023 của Christie's, 40% người mua mới chọn gốm sứ, tranh và tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc là người thuộc thế hệ Millennials.
Đấu giá trực tuyến các tác phẩm nghệ thuật
Theo báo cáo của Grand View Research, quy mô của thị trường nghệ thuật trực tuyến dự kiến sẽ tăng từ mức 9,72 tỷ USD vào năm 2022 lên 17,76 tỷ USD vào năm 2030.
Chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương Francis Belin của Christie's cho biết sau đại dịch, thế giới nghệ thuật đã chứng kiến một “sự thay đổi lớn sang kỹ thuật số”.
Theo báo cáo của Christie's, các nhà sưu tập Gen Z thường mua tác phẩm nghệ thuật từ các danh sách trực tuyến. Họ ưa chuộng túi xách, đồng hồ và tranh in - những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bằng cách bôi mực lên gỗ hoặc đá khắc và ép lên giấy.
Christie's cho biết, các nhà đấu giá đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số để thu hút những người mua trẻ tuổi, những người "hiểu biết về kỹ thuật số hơn và có kết nối toàn cầu hơn".
Theo CNBC