Chiều 8-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào việc chuẩn bị tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 5.
4 nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường
Báo cáo tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định 4 nội dung tại kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Bao gồm: Xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), xem xét thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Xem xét thông qua dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời xem xét, quyết định một số vấn đề cấp bách về tài chính, ngân sách nhà nước.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ông Cường cho hay thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp rất chặt chẽ với thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật văn bản...
Đối với 2 nội dung còn lại, Chính phủ đã gửi hồ sơ, tài liệu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này.
Về dự kiến kỳ họp bất thường, sẽ khai mạc vào ngày 15-1 và bế mạc vào sáng ngày 18-1, Quốc hội nghỉ 1 ngày làm việc (ngày 17-1-2024).
Đối với 2 dự án luật trên, ông Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về trình tự trình Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự án luật tại kỳ họp này như thể hiện tại dự kiến chương trình.
Cụ thể, bố trí Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; thảo luận tại hội trường (0,5 ngày/dự án luật, chỉ tập trung vào các điểm mới so với kỳ họp thứ 6 và những nội dung còn ý kiến khác nhau) vào ngày đầu kỳ họp và biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc.
Cũng theo ông Cường, thời gian diễn ra kỳ họp ngắn nên các cơ quan sẽ có rất ít thời gian để tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết.
Do đó, để kịp tiến độ theo dự kiến chương trình kỳ họp, đề nghị không tách riêng việc tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết, thay vào đó các cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tổng hợp ý kiến để tiếp thu, giải trình luôn...
Về tài liệu, ông Cường đề nghị dự kiến thời hạn gửi tài liệu là trước ngày 12-1 nhằm bảo đảm thời gian để đại biểu Quốc hội tiếp cận tài liệu, nghiên cứu trước khi tham dự kỳ họp.
Vẫn còn quan ngại với 2 dự án luật
Điều hành sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Tổng thư ký Quốc hội đã có thông báo triệu tập kỳ họp gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Ông Hải cho biết kỳ họp bất thường sẽ cho ý kiến đối với 4 nội dung, trong đó 2 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày mai (9-1), với quyết tâm cao để trình Quốc hội thông qua cả 2 dự luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết 2 dự án luật trình kỳ họp bất thường là các luật khó, đồ sộ và sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội để xem có đủ chất lượng trình Quốc hội hay không.
Riêng dự án Luật Đất đai sửa đổi, ông nói qua rà soát kỹ thuật của Ủy ban Pháp luật đã chuyển đến 44 vấn đề liên quan đến nội dung, do đó, sợ rằng sau khi Quốc hội bấm nút thông qua thì rà soát kỹ thuật có thể phát sinh thêm.
Với dự án Luật Các tổ chức tín dụng còn quan ngại hơn khi mới nhận được tài liệu. Hiện nay có một số điều sẽ phải báo cáo thêm Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông cho rằng vì thời gian chuẩn bị rất ngắn, để đảm bảo tiến độ triển khai công việc tiếp thu, chỉnh lý, cần giới hạn phạm vi thảo luận vào các vấn đề còn ý kiến khác nhau của các dự thảo luật, tránh dàn trải...
Kết luận sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định 4 nội dung như tờ trình của Tổng thư ký Quốc hội.
Bộ Tư pháp đề nghị thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Nghệ An.