Trong tháng 12/2023, cả chỉ số VN-Index và hiệu suất đầu tư của PYN Elite đều tăng 3,3%, chủ yếu nhờ đà tăng của nhóm chứng khoán, bán lẻ và ngân hàng. Theo đó, chỉ số VN-Index kết thúc năm tăng gần 123 điểm, tương đương mức tăng 12,2% so với đầu năm. Trong khi đó, hiệu suất đầu tư cả năm 2023 của PYN Elite chỉ đạt 1,69%.
Nếu so sánh với hiệu suất đầu năm ngoài thì con số 1,69% cũng khá tích cực, bởi quỹ ngoại này có hiệu suất đầu tư -28,28% năm 2022.
Trước đó, trong thư gửi nhà đầu tư, PYN Elite cho biết, NAV của quỹ hầu như không tăng trưởng kể từ đầu năm. Một trong những nguyên nhân là cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP đã giảm mạnh, bất chấp lượng khách hàng không tăng trưởng trở lại, giúp hoạt động kinh doanh của Công ty hồi phục. Cùng với đó, giá cổ phiếu VEA của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP cũng giảm khoảng 10% do nhu cầu và niềm tin thị trường suy yếu. ACV và VEA lần lượt chiếm 6,7% và 3,6% tỷ trọng danh mục đầu tư của PYN Elite tính tới cuối tháng 12/2023.
Bên cạnh đó, hiệu suất đầu tư của quỹ ngoại này cũng không lấy làm tích cực trong năm 2023 bởi cổ phiếu VHM – Vinhomes và VRE – Vin Retail, cả hai đều thuộc Vingroup. Dù 2 doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh tích cực năm 2023 nhưng công ty mẹ lại có kết quả đối nghịch do tập trung đầu tư vào làm xe điện.
PYN Elite đã duy trì tỷ trọng lớn các cổ phiếu nhóm ngân hàng trong năm 2023. Tính tới cuối tháng 12, top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ vẫn là các cổ phiếu ngân hàng, bao gồm STB - Sacombank (13,8%), HDB - HDBank (9,7%), TPB - TPBank (9%), CTG - VietinBank (8,6%), MBB - MBBank (7,7%)…
Lý giải điều này, PYN Elite cho rằng, định giá của các cổ phiếu ngân hàng mà quỹ này đang nắm giữ tỷ trọng lớn ở mức khá thấp, nhất là so với lợi nhuận và triển vọng tăng trưởng tích cực của các nhà băng. Trong quá khứ, nhóm cổ phiếu ngân hàng của Việt Nam đã có mức tăng nhanh chóng.
5 cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của PYN Elite và PE dự phóng |
Theo PYN Elite, giá trị giao dịch trung bình năm 2023 của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 637,4 triệu USD/phiên, giảm 12,3% so với năm 2022. Nhà đầu tư nước ngoài đã kiên trì bán ròng từ tháng 4/2023 cho tới nay.
Điểm nhấn đáng chú ý của Việt Nam trong năm 2023 chính là chính sách ngoại giao có nhiều thành tựu. Trong đó, Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ chiến lược với Mỹ vào tháng 9/2023, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2023, đi kèm đó là nhiều thoả thuận thương mại đa lĩnh vực được ký kết.
Về yếu tố vĩ mô, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong quý IV, đưa mức tăng trưởng cả năm lên 5,1%. Trong năm 2023, lĩnh vực dịch vụ có mức tăng trưởng mạnh nhất, tăng 6,8% so với năm trước, trong khi công nghiệp và xây dựng đang trong quá trình phục hồi.
Xuất khẩu cả năm đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022. Nhập khẩu cũng giảm 8,9% so với năm 2022, đạt giá trị 327,5 tỷ USD. Mỹ, châu Âu và Trung Quốc vẫn là những đối tác xuất khẩu lớn nhất.
Dòng vốn FDI tiếp tục gây ấn tượng nhờ ổn định vĩ mô của thị trường Việt Nam. Trong đó, vốn FDI đăng ký đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm ngoái. FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 23,2 tỷ USD.