Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp TP Hà Nội tổ chức ngày 9-1.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định nếu không làm vậy, hàng trăm năm nữa cũng không làm xong mạng lưới đường sắt đô thị, không giải quyết được vấn đề phát triển. Còn làm được điều này sẽ tạo động lực mới, kích thích kinh tế thành phố phát triển rất mạnh.
Khi đó tăng trưởng kinh tế TP những năm tới không phải là 8,5 - 9,5% theo mục tiêu quy hoạch hiện nay mà có thể đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài, ông Dũng nêu.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng Hà Nội có nguồn lực về đất đai nên có thể vay và trả, nhưng cần một chương trình riêng, đề án riêng cho phát triển hạ tầng để tạo đột phá phát triển đô thị như những quả đấm thép.
Cùng quan điểm này, TS Lã Ngọc Khuê - chuyên gia về giao thông - cho rằng dự thảo quy hoạch đề ra mục tiêu xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị từ nay đến năm 2030 rất khó thực hiện. Giờ vẫn cứ nói thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030 nhưng chỉ còn 6 năm nên cần có giải pháp đột phá trong phát triển giao thông thủ đô.
Theo ông Khuê, hiện giao thông công cộng Hà Nội mới đáp ứng được 28% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi nghiên cứu mô hình giao thông công cộng ở Singapore cho thấy khi giao thông công cộng đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân, giao thông đô thị mới trở lại trật tự.
Vì thế Hà Nội nên đặt mục tiêu 15 năm nữa làm được các tuyến đường sắt đô thị cụ thể vì cần tới 10 năm thành phố mới làm xong được hơn 10km Cát Linh - Hà Đông.
Trước mắt, vị chuyên gia này khuyến nghị Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện tuyến đường sắt đô thị số 3 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đầu tư kéo dài tuyến này về hướng Lĩnh Nam.
Đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị cần nhiều thời gian, vì thế cần phát triển song song hệ thống đường sắt monorail như Trung Quốc đã làm, thúc nhanh việc xây dựng tuyến vành đai 4 để tách được giao thông quá cảnh, liên vùng ra khỏi nội đô.
Đồng thời thiết kế với các loại hình giao thông chính gồm đường sắt đô thị, xe buýt, làm sao để người dân đi bộ 400m là tới được bến xe buýt và taxi.
PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết nguồn lực phát triển là một thách thức lớn với việc thực hiện quy hoạch Hà Nội.
Nhưng nếu không phát triển sớm tuyến đường vành đai 4, thực hiện các dự án giao thông công cộng theo hướng ngầm hóa, đưa 70% dân số đi dưới lòng đất, Hà Nội sẽ rất khó sắp xếp lại không gian đô thị.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng:
Xây dựng Hà Nội là trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ khu vực
Hà Nội có điều kiện để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, vấn đề quan trọng nhất là cơ chế chính sách để thu hút được nhân tài, các chuyên gia, các nhà khoa học. Đây là vấn đề khó đối với cả nước chứ không chỉ Hà Nội.
Chúng ta đã xây dựng được một tòa nhà trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc nhưng vấn đề là chuyên gia nào về làm.
Các nước xung quanh như Singapore luôn luôn lấy nguồn nhân lực các chuyên gia, nhà khoa học là nguồn lực phát triển, họ thu hút bằng những cơ chế chính sách vượt trội, Hà Nội cũng phải vậy để thu hút được nhân tài, giới tinh hoa.
Sáng 20-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính - chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng - chủ trì hội nghị lần thứ nhất của hội đồng.