Doanh nghiệp chưa được hưởng chính sách giảm thuế VAT 2% trong 2 năm
Ngày 9/1, tin từ Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết, vừa có báo cáo gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.HCM về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Theo HoREA, về chính sách miễn, giảm thuế, Nghị quyết 43/2022/QH15, Nghị quyết 101/2023/QH15, Nghị quyết 110/2023/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP, Nghị định 44/2023/NĐ-CP, Nghị định 94/2023/NĐ-CP cho phép “giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%)”.
Nhưng do không áp dụng đối với một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản chưa được hưởng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong 2 năm 2022-2023.
Hiệp hội nhận thấy, Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP “cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022” đã huy động các nguồn lực xã hội.
Trong đó, có các doanh nghiệp bất động sản tự nguyện đóng góp tài chính (lên đến hàng ngàn tỷ đồng), nhân lực, của cải, trang thiết bị để chống dịch.
Cũng theo Hiệp hội, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được “hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua”.
Nhưng kết quả thực hiện đến nay quá thấp, chỉ giải ngân được khoảng 875 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ khoảng 2,3% do có các hạn chế, “bất cập”.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị tác động của đại dịch Covid-19 đã suy kiệt, khó chứng minh “có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sợ bị “hậu kiểm” sau khi đã nhận khoản hỗ trợ giảm 2% lãi suất, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính sách “giảm 2% lãi suất” áp dụng đối với việc “cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua” với kết quả giải ngân (trên đây), đã cho thấy chính sách này không thực hiện được đối với việc “cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua”.
Bởi lẽ, hầu như tất cả các dự án “cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua” đều bị “ách tắc” do bị “vướng mắc pháp lý”.
Ngoài ra, chính sách giảm 2% lãi suất không áp dụng đối với một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nên đối tượng được hưởng chính sách này bị thu hẹp.
Lãi suất giảm chậm khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn
Đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, HoREA đánh giá đây là chính sách rất nhân văn và rất thiết thực đã hỗ trợ trực tiếp cho người lao động gặp khó khăn, thiếu nguồn thu nhập, nhưng việc triển khai thực hiện hơi chậm và hầu như không áp dụng cho người lao động thuê nhà trọ mà không làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.
Đối tượng các chủ nhà trọ đang giải quyết chỗ thuê trọ cho hàng triệu công nhân trong cả nước chưa được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, chỉ riêng tại Tp.HCM đã có hơn 60.000 chủ nhà trọ với hơn 600.000 phòng trọ cho thuê.
Đối với chính sách cho vay hỗ trợ cho cá nhân vay mua, thuê nhà ở xã hội nhìn chung chưa thực hiện được đáng kể vì thiếu nguồn nhà ở xã hội.
Riêng Tp.HCM, Ngân hàng chính sách xã hội cho biết, trong 2 năm 2022 và 2023 thì chỉ giải ngân được 35,7 tỷ đồng để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nếu tính suất vay bình quân 600 triệu đồng thì chỉ tương đương 63 căn nhà ở xã hội mà thôi.
Ngoài ra, HoREA cho rằng lãi suất giảm chậm khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Chính phủ yêu cầu “các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên”.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất được các ngân hàng thương mại thực hiện khá chậm. Theo quan sát của HoREA, các ngân hàng mới giảm lãi cho các khoản vay mới mức giảm lãi suất khoảng 1,5-2% so với đầu năm 2023, còn các khoản vay cũ vẫn chịu lãi suất khá cao.
Về chỉ đạo “tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ”, phải 16 tháng sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN “quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn”.
"Nếu ban hành sớm hơn trong năm 2022 thì sẽ có tác động rất tích cực đối với nền kinh tế, đối với các doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư", HoREA nhấn mạnh.