vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ án 6 người vượt biển bị sát hại cướp tài sản: Hung thủ sa lưới sau 43 năm lẩn trốn

2024-01-09 17:19

Tiếng súng vọng về

Cách đây chưa lâu, thỉnh thoảng vẫn có những người ở TPHCM ra Quảng Ngãi, lặn lội tới đồi cát rất hoang vắng với nét mặt đau khổ tận cùng. Xóm Châu Tân, thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là nơi xảy ra vụ đại án giết 6 người và cướp tài sản. Đồi cát trắng mênh mông như sa mạc này đọng lại không biết bao nhiêu nước mắt của đoàn người từ phương Nam xa xôi đặt chân tới. Còn người dân địa phương thì mãi mãi vẫn ám ảnh. Vào một đêm tháng 4/1981, chàng thanh niên Bùi Thạnh (SN 1945) và người hàng xóm là ông Bùi Đích đi dạo dọc bờ biển. Đêm đó nước thủy triều xuống thấp, rùa biển bò vào bờ sinh sản. Bãi biển Châu Tân phẳng lì, bờ cát vàng ỏng ả, không có rác vì cả xóm chỉ có khoảng 40 nóc nhà. Mới khoảng 21 giờ, khu rừng dương Xẩm Đen thì có tiếng súng nổ chát chúa.

Xóm Châu Tân nằm biệt lập ở ngoài biển, giống như 1 cù lao vì không có đường giao thông, không điện, thỉnh thoảng lại bị đồn thổi những chuyện rất đáng sợ. Vì trước năm 1975, thỉnh thoảng giữa đồi cát lại xuất hiện bàn tay, ống chân, xương người từ những vụ thanh toán rất bí mật. Ông Thạnh nhớ lại, tràng súng vừa ngớt, súng lại tiếp tục nổ vang. Cả 2 thanh niên bắt đầu hoảng sợ vì nghĩ tới những cảnh tượng xương người trồi lên mặt đất ở rừng phi lao đầy bí ẩn, nhất là ngay con dốc cát thoai thoải nằm ngay đầu khu Xẩm Đen. Cái tên Xẩm Đen là cánh rừng dương được trồng từ thời Pháp thuộc, thân cây chằng chịt như những cánh tay, bao quanh rừng dương là cỏ lông chông, mỗi lá cỏ có cánh sắc, nhọn như gai mắt mèo.

Phan Thanh Việt bị bắt giữ

Sau 43 năm, khi kể lại tràng súng vào đêm hôm đó, ông Thạnh vẫn nổi da gà. Người thanh niên 36 tuổi năm đó, bây giờ đã là một ông lão 79 tuổi. Ông Thạnh dẫn phóng viên ra hiện trường xảy ra án mạng giết 6 người giữa tiếng gió hú thổi ràn rạt qua rừng phi lao. Ông Thạnh kể, không ai nghĩ số người chết trong 1 vụ lại nhiều như vậy, và người ra tay sát hại lại có sự tham gia của xã đội trưởng Phan Thanh Việt. "Giết người rồi sống thêm 43 năm nữa, giờ mới bị bắt, sống vậy là quá dài rồi" - ông Thạnh nói.

43 năm về trước, xã Bình Châu là địa phương rất ít người qua lại. Đêm xảy ra án mạng đó, trong ký ức của người dân vẫn nhớ là có tin đồn sẽ có đối tượng vượt biển trốn đi nước ngoài, địa điểm vượt biển nằm ở cách bãi biển xóm Châu Tân khoảng 3km về hướng nam, thuộc thôn Châu Thuận Biển. Sau khi sự việc xảy ra, người dân nhận định, tin giả này đã phân tán sự chú ý của lực lượng dân quân du kích và có thể do chính Việt tung ra.

Tháng 3/1975, ông Võ Duy Luân dắt con trai là Võ Duy Quý sau thời gian đi tản cư ở thị xã Quảng Ngãi trở về quê nhà ở thôn Châu Me, xã Bình Châu. Nhưng tại sân vườn nhà của ông Luân đã có một ngôi nhà được gia đình ông Việt xây dựng. Ông Phan Thanh Ngọc, cha của Việt cho biết, vì là dân trụ bám nên từ xóm Yên Sơn, thôn Châu Bình sang cắm đất làm nhà, xem như chính chủ. Ông Quý hồi tưởng chân dung và tính cách của ông Việt lúc đó luôn là một người đầy quyền uy, bắn súng thiện xạ, xã đội trưởng khiến ai cũng nể sợ.

Còn bà Trần Thị Hương (SN 1940) từng là cán bộ phụ nữ, cũng là người hàng xóm của tên Việt thì kể lại, Việt là người có khiếu ăn nói, rất dễ thuyết phục người khác. Năm 1981, bà Hương là một phụ nữ ngoài 40 tuổi, bây giờ đã đã lên chức cụ ở tuổi 85. Vậy nhưng trong trí nhớ của bà vẫn in đậm từng chi tiết, xâu chuỗi được những vấn đề, từ đó nhận định được hành động của một thanh niên 28 tuổi, nhưng khá quyền uy, rắp tâm, toan tính.

Bà Trần Thị Hương, hàng xóm với hung thủ

Nghèo sinh đạo tặc

Bà Hương kể, thời đó gia cảnh của Việt rất nghèo, năm 1977, khi tổ chức cưới vợ và kết duyên được với cô gái ở làng chài Định Tân tên là cô Bi, lúc đó cô gái này đã chia sẻ với bà về việc phải may cho Việt 2 bộ quần áo, vì tài sản của phía chồng không có gì cả. Có thể vì trong tay có quyền uy, cộng với lòng tham lam đã trở thành động cơ thúc đẩy Việt tổ chức lừa phỉnh, đưa 6 người dân TPHCM về Quảng Ngãi để vượt biển, sát hại dã man và cướp tài sản.

Bà Hương kể, trước khi xảy ra án mạng, một cậu bé trai trạc 8 tuổi đến ở tại nhà của Việt. Bà Hương và những người hàng xóm rất thích cậu bé này, vì cậu có khuôn mặt sáng sủa, nói năng rất dễ thương, chững chạc, thể hiện là xuất thân từ gia đình có trí thức, khá giả. Vào lúc 16 giờ ngày xảy ra án mạng, có 5 người, bao gồm 2 phụ nữ và 3 người đàn ông xuất hiện khá đột ngột ở ngay cống xả nước Phan Cát, nằm cách nhà của bà không xa. Sau này bà mới biết, họ là nhóm người được Việt lừa phỉnh ra biển để đi vượt biên, nhưng sau đó cùng các đối tượng khác giết hại.

Kể lại câu chuyện trong ký ức, bà Hương vẫn thể hiện nỗi đau thấu tận tâm can và nói, "nếu thằng bé nhỏ dễ thương kia mà còn sống, nó giờ đã là người đàn ông ngoài 50 tuổi, có gia đình, có con cháu. Vậy mà... Việc Công an bắt được Việt thì rõ ràng là nợ máu thì phải đền tội mà thôi".

Ông Bùi Thạnh, nhân chứng tại hiện trường vụ án xảy ra 43 năm về trước

Tại con đường nối giữa thôn Định Tân và An Hải, xã Bình Châu, có một người phụ nữ sống lặng lẽ, khuôn mặt khắc khổ, rất hiếm nụ cười, cả đời lủi thủi làm ăn, đó là bà Bi, vợ của Việt. Tai tiếng từ người chồng đã khiến bà sống cả cuộc đời mặc cảm. Thời gian trôi vùn vụt và bà cầu mong mọi thứ sẽ lãng quên, sẽ tha thứ. Nhưng ý thức toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc đã khiến ngôi nhà của bà luôn là "điểm nhìn" của dân chúng, kể cả những người sinh sau năm 1981. Vậy nên nhất cử nhất động của Việt đều bị phát giác, dù vụ việc đã trôi qua 43 năm.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, ông Phùng Bá Bình từng vô Cà Mau (khoảng năm 1983), khi tên Việt thoáng thấy đã vội vã bỏ chạy. Kể từ đó, tin tức về Việt bặt âm tín. Vậy nhưng bao nhiêu năm qua, câu chuyện này mãi mãi được truyền miệng, rồi mọi người lại tự hỏi "Việt trốn ở đâu mà lâu dữ hê?". Anh Phạm Hữu Thiết cho biết, năm 2017, thoáng thấy 1 người đàn ông thò đầu ném điếu thuốc rồi đóng cửa, lập tức là người ta cũng nghi và báo cáo tin tức về Việt. Đối tượng giết người không chỉ nằm trong vòng ngắm của lực lượng Công an, mà rất nhiều người dân đã ngầm dõi theo cho đến ngày Việt bị bắt.

Anh Bùi Duy Tánh (SN 1954) từng là cán bộ du kích dưới quyền của Việt một thời gian ngắn cho biết, ông Việt chỉ cụt một ngón tay áp út ở bàn tay phải, nhưng mới vừa rồi xem tivi thì thấy Việt cụt hết ngón bàn tay phải, chắc đã hủy hoại bản thân để thay đổi nhận dạng. Việt là người có tính cách rất khôn khéo, năm 1973 từ TPHCM trở về quê, sau đó tham gia du kích địa phương, từ đó đã móc nối, lừa đảo, đưa người ra vượt biển rồi sát hại.

Ông Tánh và những thanh niên cùng thời với Việt cho rằng, đời người đàn ông, phải sống làm sao cho trách nhiệm, là trụ cột gia đình, niềm tự hào của con cái, vì mắc sai lầm, không chỉ cá nhân mình gánh chịu, mà còn liên lụy đến cả vợ con, gia đình tới tận bây giờ.

Sau khi vụ lừa đảo 6 người từ TPHCM ra Quảng Ngãi để vượt biển, bị ra tay sát hại và cướp tài sản, nhóm hung thủ đã lãnh án: Bùi Văn Lâm ngồi tù chung thân; Nguyễn Minh Châu (Sâm) bị bắn chết khi chống trả và vượt ngục; còn lại 2 đối tượng bị xử bắn công khai tại đồi Nấm Mối trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân. Một cán bộ ở địa phương cho biết, Việt từng bị Công an huyện Sơn Tịnh bắt vì liên quan tới vụ lừa đảo vượt biển, nhưng sau đó không hiểu sao lại tiếp tục lừa đảo vụ thứ 2 ở huyện Bình Sơn?
LÊ VĂN CHƯƠNG

Xem thêm: lmth.576751_nort-nal-man-34-uas-ioul-as-uht-gnuh/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Vụ án 6 người vượt biển bị sát hại cướp tài sản: Hung thủ sa lưới sau 43 năm lẩn trốn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools