Tham dự cuộc họp có Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Soạn thảo; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Phó Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao Nguyễn Đức Tiến và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính…
Toàn cảnh cuộc họp. |
Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng để đảm bảo thực thi Hiến pháp năm 2013 và tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trình bày báo cáo tóm tắt kết quả xây dựng, nội dung cơ bản và lộ trình xây dựng Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). |
Thực hiện Thông báo số 3223 ngày 19/12/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 28, trong đó, bổ sung Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Bộ Công an đã ban hành Quyết định thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đã hoàn thành dự thảo hồ sơ Dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng Tô Lâm, Trưởng Ban Soạn thảo phát biểu tại cuộc họp. |
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm, Trưởng Ban Soạn thảo đề nghị các đồng chí thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập làm rõ các khái niệm về vũ khí, nhằm đảm bảo có cơ chế quản lý phù hợp, khả thi đối với các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ và dao có tính sát thương cao, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; Rà soát kỹ thủ tục hành chính để cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết và bổ sung quy định thủ tục thực hiện qua môi trường mạng bảo đảm quản lý hiệu quả, khả thi, thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; Rà soát các nội dung của dự thảo Luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan, để sau khi được Quốc hội thông qua, Luật thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương thảo luận tại cuộc họp. |
Để xây dựng dự án Luật đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, Bộ trưởng Tô Lâm, Trưởng Ban Soạn thảo đề nghị các đồng chí thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo Luật phải thống nhất với các văn bản pháp luật khác có liên quan, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết và đảm bảo chất lượng để Dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Phó Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao Nguyễn Đức Tiến thảo luận tại cuộc họp. |
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, tham gia nghiên cứu, đóng góp những ý kiến giúp bộ phận thường trực tổng hợp xây dựng dự án Luật đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, nội dung dự thảo Luật phải kế thừa những ưu điểm và khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, đồng thời phải đáp ứng công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực này.
Tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo để lấy ý kiến tham gia các cơ quan quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đồng thời, tiếp tục tổ chức tuyên truyền dự thảo Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và mọi công dân có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến để nội dung văn bản Luật đầy đủ, sát thực tiễn, có tính khả thi cao.
| |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp thảo luận tại cuộc họp. |
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội là cơ quan thường trực phối hợp với Cục Pháp chế, cải cách hành chính và tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến tham gia của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật trình Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Công an các đơn vị, địa phương căn cứ vào nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch xây dựng dự án Luật tổ chức thực hiện nghiêm túc đảm bảo chất lượng và đúng lộ trình đã đề ra; kịp thời báo cáo, đề xuất để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.