Chiều 9/1, sau phần bào chữa của hơn 70 luật sư, HĐXX cho phép các bị cáo có thể tự bào chữa hoặc bổ sung thêm những nội dung mà luật sư đã trình bày.
"Hình thức kỷ luật đau đớn nhất"
Bị cáo Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương mong muốn HĐXX xem xét thêm các yếu tố, động cơ, hành vi, thiệt hại đối với tỉnh Hải Dương.
Theo ông Thăng, việc thiệt hại của tỉnh Hải Dương là nằm trong không gian, phạm vi của một tỉnh chứ không phải tính chất chi phối tỉnh khác trên phạm vi rộng.
Mức độ thiệt hại ở tỉnh Hải Dương đứng thứ 3 trên cả nước. Song, ông Thăng thấy rằng mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với các bị cáo tại tỉnh Hải Dương là cao nhất trong tất cả các cơ quan, địa phương có liên quan đến Việt Á.
"Nguyên là người đứng đầu cấp ủy tỉnh Hải Dương, tôi xin nhận trách nhiệm những gì thuộc về tôi và tha thiết kính mong quý tòa, HĐXX cũng như VKS để giảm nhẹ hình phạt tù đối với cá nhân bị cáo và cấp dưới trong vụ án này, là những người kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật trong chống dịch", ông Thăng nói.
Đồng thời, ông Thăng mong muốn HĐXX xem xét công và tội của các bị cáo trong vụ án thuộc tỉnh Hải Dương.
Ông Thăng nêu, tỉnh Hải Dương giá trị về kinh tế đứng thứ 11 trên cả nước, dân số 2 triệu người (chưa tính dân số cơ học) cho nên một ngày phải cách ly, phong tỏa ước tính thiệt hại một ngày là 300 tỷ đồng. Trong khi đó, Hải Dương phải phong tỏa 16 ngày.
Trong thời gian đó, Hải Dương đã quyết tâm dập dịch.
Tại bục khai báo, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng tha thiết, mong được tòa án xem xét một mức án hợp lý hơn, thấp hơn so với đề nghị của VKS. Trước đó, ông Thăng bị cơ quan tố tụng đề nghị 5-6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Giãy bày thêm, ông Thăng nói bản thân từng là Ủy viên Trung ương Đảng, đã phải chịu hình thức kỷ luật cao nhất đó là khai trừ khỏi Đảng.
Theo ông Thăng, hình thức kỷ luật trên là điều đau đớn nhất mà ông phải chịu, và trước mắt sẽ tiếp tục là những hình phạt tù.
Sau ông Thăng, bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng xin HĐXX cho được trình bày thêm.
Đầu tiên, ông Hùng nói thời điểm 2 lần nhận tiền từ Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Việt Á) đều là những dịp lễ, tết, vì vậy, theo bị cáo nhận thức khi đó, việc nhận quà là theo truyền thống của người Việt Nam, mọi người đến gặp gỡ, cảm ơn nhau vì những việc đã xảy ra trước đó.
Ông Hùng bày tỏ, việc nhận tiền của Việt là nỗi đau lớn nhất đối với bị cáo khi đã làm mất đi thành quả học tập, lao động trong 37 năm công tác.
Thứ 2, cựu vụ trưởng cho rằng, những tham mưu của bản thân cho bị cáo Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc (cựu Bộ trưởng và cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) đã thành công, đạt mục đích.
Cụ thể là kit test Việt Á đạt chất lượng ở đúng "thời điểm lịch sử". Theo ông Hùng, kit test hiệu quả về cả công tác chống dịch và hợp tác quốc tế.
"Bộ kit ra đời không phải tội lỗi, mà sai phạm ở quá trình sau đó", bị cáo Hùng giãi bày và nhắc lại ý của một luật sư, rằng: "Bản chất vụ án nằm ở các khâu về giá (giá kit test - PV)".
Bị cáo Phan Quốc Việt: "Vụ án xuất phát từ tôi mà ra"
Là một trong số ít bị cáo xin được bổ sung ý kiến, bị cáo Phan Quốc Việt thừa nhận sai phạm, nói "vụ án xuất phát từ tôi mà ra" và cho rằng bản thân sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trước tòa, Việt muốn bày tỏ thêm về các tình tiết trong vụ án để HĐXX có cái nhìn đầy đủ, rõ bản chất và có thể giảm nhẹ tội đối với các bị cáo trong vụ án.
Cụ thể, theo Phan Quốc Việt, tại Hải Dương, Việt Á là một trong những đơn vị được Bộ Y tế phái xuống để hỗ trợ tỉnh chống dịch.
Sau khoảng 2 tuần chống dịch nhưng không hiệu quả, Việt trực tiếp đến gặp ông Phạm Xuân Thăng và chỉ ra chiến lược chống dịch, đồng thời cam kết trong 2 tuần giúp Hải Dương làm chủ tình hình và sau 2 tuần tiếp theo giúp Hải Dương khống chế được dịch.
May mắn sau khoảng 4 tuần sau Hải Dương đã khống chế được dịch.
"Lúc đó bị cáo còn nhớ ông Thăng có nói nếu chú gặp anh sớm 10 ngày có lẽ đã bớt căng rồi", Việt nhớ lại.
Trước HĐXX, bị cáo Phan Quốc Việt tiết lộ trong những ngày đầu Hải Dương chống dịch, Việt Á đã hỗ trợ tỉnh xét nghiệm 750.000 lượt. Việt tính, mỗi lượt xét nghiệm chưa đến 20.000 đồng.
Ông chủ Việt Á trình bày tiếp, đối với Bắc Giang khi xảy ra dịch có 8 đơn vị về đây chống dịch, rút kinh nghiệm từ Hải Dương nên công ty này không vào ngay từ đầu.
Khoảng 1 tháng sau, khi tình hình căng hơn, Bắc Giang nhờ Việt Á vào chống dịch giúp và đúng như lời cam kết, khoảng gần 3 tuần sau đã dập dịch thành công.
Phan Quốc Việt cũng nêu thêm kit của Việt Á có những ưu điểm nổi trội khi có thể phát hiện những ca bệnh dương tính từ sớm.