Theo The Guardian, đại diện Carrefour - chuỗi siêu thị lớn của Pháp - cho biết họ sẽ ngừng bán toàn bộ sản phẩm của PepsiCo tại cửa hàng của 4 nước châu Âu gồm Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ kể từ đầu tháng 1. Lý do là PepsiCo đã tăng giá sản phẩm quá cao, một mức giá khó có thể chấp nhận.
Carrefour cho biết toàn bộ cửa hàng bán lẻ của họ sẽ treo biển thông báo cửa hàng không bán các sản phẩm của PepsiCo như đồ uống có ga, khoai tây chiên giòn Lay's, ngũ cốc Quaker.
Một khách hàng ở Paris (Pháp) cho biết họ ủng hộ quyết định trên của Carrefour. Người này cho rằng những sản phẩm còn lại của PepsiCo trên các kệ hàng cũng rất khó bán bởi giá quá cao.
Đại diện PepsiCo từ chối trả lời các câu hỏi liên quan. Đến nay, thương hiệu này vẫn giữ im lặng kể từ sau thông báo của Carrefour.
Giữa năm 2023, giá bán của Pepsi tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lúc này, Ramon Laguarta, giám đốc điều hành của Pepsi, cho rằng dù giá bán tăng, người tiêu dùng vẫn lựa chọn sản phẩm của thương hiệu này.
Tới tháng 10/2023, PepsiCo cho biết họ đã lên kế hoạch tăng giá nhưng mức tăng sẽ vừa phải. Bên cạnh việc tăng giá bán, thương hiệu này đã đồng loạt giảm kích thước, dung tích chai. Theo Reuters, trong năm 2023, giá trung bình của Pepsi đã tăng 11%, trong khi dung tích giảm 2,5%.
Hồi tháng 7/2023, PepsiCo công bố doanh thu tăng 10%, đạt 22,3 tỷ USD và lợi nhuận tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 2,7 tỷ USD.
Trong một diễn biến mới nhất được cập nhật vào chiều 8/1, E. Leclerc - hệ thống siêu thị bán lẻ hàng đầu tại Pháp - cho biết họ vẫn duy trì Pepsi trên kệ hàng, mặc cho đối thủ của họ là Carrefour đã loại bỏ sản phẩm này.
Theo người đứng đầu E. Leclerc, ông Michel Edouard Leclerc, cho hay ông tin rằng tình trạng lạm phát ở Pháp sẽ quay về mức 2,5% đến 3% trong năm 2024. Hiện tại, các công ty về hàng tiêu dùng của quốc gia này đang trên đà đưa giá cả trở về con số hợp lý hơn.
Carrefour được coi là một trong những thương hiệu bán lẻ "dám thách thức" các đối tác là các công ty thực phẩm. Trước đó, năm 2023, thương hiệu này bắt đầu chiến dịch "thu hẹp lạm phát" bằng cách dán thông báo lên các sản phẩm có giá thành ngày càng cao nhưng kích thước, thể tích, dung dịch ngày càng ít đi.
Trong nỗ lực giảm lạm phát, chính phủ Pháp đã yêu cầu các nhà bán lẻ và nhà cung cấp cần duy trì và kết thúc cuộc đàm phán về giá vào tháng 1 hàng năm, sớm hơn hai tháng so với thường lệ.
So với các nước khác ở châu Âu, Pháp là quốc gia quản lý chặt chẽ các thương hiệu trong lĩnh vực bán lẻ, buộc các siêu thị chỉ được phép đàm phán giá mỗi năm một lần với các nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống.