Giá gạo nhích lên, bán lẻ gặp khó
Giữa tháng 1/2024, giá các loại gạo ở Tp.HCM bất ngờ tăng mạnh, trong đó gạo ST24 và ST25 tăng tới 5.000 - 6.000 đồng/kg. Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, Tp.HCM), ghi nhận của Người Đưa Tin cho thấy cho thấy giá gạo thấp nhất là 20.000 đồng/kg. Các tiểu thương ở đây cho biết: “Giá gạo tăng liên tục từ tháng 8 năm ngoái tới nay, mỗi lần tăng 5 - 10% nên giá bán lẻ buộc phải tăng”.
Tại khu vực Tp. Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Triệu - chủ cửa hàng gạo Bình Triệu cho hay, so với cuối tháng 12/2023, giá các loại gạo đã tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg, trong đó hai loại gạo ST24 và ST25 tăng nhiều nhất với mức 5.000 đồng/kg. Vì giá tăng cao nên các đại lý không dám nhập hàng mà chủ yếu bán gạo dự trữ nên vẫn giữ giá cũ, “không rõ giá gạo có còn tăng thêm không”.
Trong đó, doanh nghiệp Hồ Quang đã thông báo đến các đại lý, đối tác về việc tăng giá các loại gạo Ông Cua ST25 trên thị trường. Cụ thể, gạo Ông Cua ST25 tăng 2.000 đồng/kg mỗi loại. Như vậy, mỗi túi 5kg sẽ tăng 10.000 đồng, hộp 2kg tăng 4.000 đồng. Việc điều chỉnh này bắt đầu áp dụng từ ngày 5/1.
Theo lý giải của doanh nghiệp này, tình hình giá lúa hiện nay tăng đột biến vì nhu cầu mua lúa của các công ty tăng cao nhưng số lượng lúa cung cấp không đủ đáp ứng thị trường, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao trong suốt 3 tháng qua, “bắt buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh giá”.
Đây là lần đầu tiên thương hiệu Gạo Ông Cua ST25 được phân phối bởi DNTN Hồ Quang tăng giá kể từ khi cơn sốt giá gạo xuất hiện nửa cuối năm 2023 và kéo dài liên tục đến nay. Từ tháng 8/2023, nhiều loại gạo đã điều chỉnh tăng giá nhưng gạo Ông Cua ST25 được phía doanh nghiệp Hồ Quang thông báo với đại lý vẫn giữ giá như cũ để đồng hành cùng người tiêu dùng.
Không chỉ tại Tp.HCM, giá gạo ở chợ truyền thống ở nhiều nơi cũng có xu hướng tăng. Theo đó, tại Cái Bè (Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 dao động quanh mức 14.900 – 15.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 tăng 500 – 600 đồng/kg lên mức 14.600 - 14.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR 504 Việt ở mức 13.200 - 13.500 đồng/kg, tăng 50 – 400 đồng/kg.
Hay tại Sa Đéc (Đồng Tháp), gạo thơm ở mức 14.500 – 14.700 đồng/kg; thơm đẹp 14.700 – 14.900 đồng/kg; gạo OM 5451 14.400 – 14.600 đồng/kg; IR 504 ở mức 13.100 – 13.300 đồng/kg.
Nói về tình hình này, một chủ doanh nghiệp cung cấp gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhận định, việc giá gạo ST tăng mạnh là do nguồn cung hạn chế. Hiện chỉ có một số ít diện tích lúa tôm ở các tỉnh ven biển miền Tây như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… còn gạo.
Ngoài ra, đối với gạo ST25, do gần đây loại gạo này đã lần thứ 2 thắng giải “Gạo ngon nhất thế giới” nên tâm lý của nhiều người tiêu dùng là muốn mua gạo này làm quà biếu trong dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, cầu vượt cung nên giá tăng mạnh.
Gạo bình ổn cam kết giữ ổn định
Đánh giá của nhiều doanh nhân kinh doanh gạo cho rằng, xu hướng tăng giá của gạo xuất khẩu đã tác động đến giá gạo nội địa. Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group cho biết, gạo xuất khẩu được giá kể từ giữa năm 2023 tới nay đã đẩy giá gạo trong nước lên mức rất cao.
“Giá trong nước rất cao đẩy giá gạo thành phẩm xuất khẩu lên cao, làm giá chào quốc tế không cạnh tranh nên khách không mua. Giá gạo Việt Nam hiện nay gần như cao nhất thế giới vì vậy hợp đồng ký mới gần như là không có. Thậm chí dù có nhiều bên hỏi mua nhưng giá cao khiến doanh nghiệp chưa dám ký kết”, ông Có thông tin.
Đại diện một doanh nghiệp ở Tp.Cần Thơ phân tích: “Miền Tây có 2 chợ gạo lớn là Cái Bè và Sa Đéc chuyên bán gạo nội địa, hôm nào có người mua nhiều và nhận thấy thị trường có khả năng hút hàng thì những người bán sẵn sàng đẩy giá tăng lên, còn hôm nào ít người mua, ế hàng thì họ giảm giá xuống. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bây giờ họ đặt mua hàng với một giá cố định, bên nào thấy cung ứng được thì bán và họ sẽ mua đến khi nào mua đủ lượng thì tàu sẽ vào nhận hàng, bây giờ gạo đi Cuba và Philippines các doanh nghiệp xuất khẩu đặt hàng giao tới”.
Đồng thời, thời tiết thất thường đang ảnh hưởng đến vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024. Các giống lúa thơm như OM 18, OM 5451, DT 8… trồng ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang đã có một số vùng lúa mới hơn 30 ngày tuổi bắt đầu làm đòng và trổ bông. Cây lúa trổ sớm, bông lúa đóng hạt không nhiều, bông lúa nhỏ, năng suất sẽ thấp. Vì vậy, có thể năng suất và sản lượng vụ lúa Đông Xuân năm nay có thể thấp nhiều so với dự kiến.
Dự báo trước yếu tố tăng giá của thị trường gạo, từ cuối tháng 10/2023, Sở Công Thương Tp.HCM đã vận động các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn thực hiện cam kết bình ổn giá gạo; đồng thời thực hiện liên kết với các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long để có nguồn cung gạo cung cấp cho thị trường.
Tham gia bình ổn thị trường gạo cho Tp.Hồ Chí Minh vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đều đã có sẵn nguồn hàng và khẳng định cung cấp đủ gạo trong mọi tình huống với giá hợp lý, đảm bảo không tăng.
Đại diện nhà cung cấp có lượng gạo bình ổn lớn là Saigon Co.op thông tin, đơn vị này thực hiện bình ổn 2 mặt hàng gạo gồm gạo trắng thường và gạo trắng thơm. Trong đó, tháng thường dự trữ 1.270 tấn và tăng lên 1.800 tấn trong 3 tháng dịp Tết 2024. Bên cạnh đó, gạo Co.op Happy (hàng nhãn riêng của Saigon Co.op) tuy không nằm trong chương trình bình ổn nhưng đảm bảo giá phù hợp.