Sáng 10.1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo nghị định của Chính phủ phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM.
Dự thảo nghị định xây dựng theo hướng phân cấp cho TP.HCM quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và bộ ngành trên 9 lĩnh vực: đầu tư; kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước; quy hoạch, xây dựng và tài nguyên môi trường; giao thông vận tải; y tế; giáo dục; lao động; khoa học và công nghệ; nội vụ.
Các ý kiến nêu tại hội nghị đều thống nhất phân cấp, giao quyền nhiều hơn cho TP.HCM để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là các điểm nghẽn đang làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
Xin Chính phủ, đừng xin 23 bộ ngành
Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng bối cảnh hiện nay cần đẩy mạnh trao quyền cho cấp dưới, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản của chính quyền địa phương.
Dù vậy, ông đánh giá nếu chờ ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất những vấn đề phân cấp cho TP.HCM thì sẽ không bao giờ đáp ứng được mong muốn của thành phố. Do đó, TP.HCM đề nghị những vấn đề cần được phân cấp và báo cáo Chính phủ và Thủ tướng xem xét quyết định.
"Một người đang có thẩm quyền quyết việc này, mà bảo tự bỏ thẩm quyền đó ra để chuyển cho cấp dưới thì đấy là cả quá trình về nhận thức, tư duy và giác ngộ", ông Tuấn nói.
PGS-TS Võ Trí Hảo, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đặt ra tình huống các bộ ngành không muốn giao quyền về cho TP.HCM thì sẽ giải quyết như thế nào. Chuyên gia gợi ý TP.HCM hoàn chỉnh dự thảo nghị định và xin ý kiến một vài cơ quan như Chính phủ, Bộ Chính trị chứ đừng đi xin 23 bộ ngành.
Về bố cục dự thảo nghị định, PGS-TS Võ Trí Hảo chia thành 4 nhóm. Thứ nhất là những vấn đề luật đã có nhưng chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn, nhất là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thứ 2 là vấn đề cũ nhưng cách hiểu khác nhau giữa các bộ ngành khiến TP.HCM không thể giải quyết được. Điển hình là câu chuyện cách đây 30 năm, nhà nước góp vốn bằng nhà đất vào dự án liên danh, thì nay hết hạn có gọi là sắp xếp lại hay không.
Thứ 3 là những vấn đề không mới nhưng thẩm quyền thuộc Thủ tướng và bộ trưởng. "Thông thường, Thủ tướng không quyết định ngay mà chờ ý kiến của 23 bộ ngành, mà mỗi bộ có ý kiến riêng, lợi ích riêng", vị chuyên gia này phân tích, đồng thời đặt vấn đề khi phân cấp về cho TP.HCM sẽ giải quyết nhanh hơn.
Thứ 4 là nhóm thủ tục hành chính chứ không phải thẩm quyền (như cấp phép website thương mại điện tử), thẩm quyền vẫn thuộc Trung ương còn TP.HCM vẫn là nơi thụ lý hồ sơ.
Nêu khuyến nghị với TP.HCM, PGS-TS Võ Trí Hảo cho rằng nghị định cần ban hành kèm các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình thực hiện, nếu không mọi việc vẫn sẽ như cũ.
Về phân quyền thủ tục hành chính, chuyên gia này cho rằng có thể áp dụng phương thức song hành, người dân được quyền nộp hồ sơ tại bộ ngành hoặc tại TP.HCM. Khi đó, quyền của cơ quan Trung ương không mất đi mà người dân được lựa chọn, miễn là nơi nào giải quyết công việc thuận lợi hơn.
Bộ ngành xây dựng chính sách, địa phương thực thi
Ông Nguyễn Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế, Bộ Nội vụ chia sẻ bản thân thấy được sự khát khao đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ của TP.HCM.
Theo ông Nam, nguyên tắc quản lý nhà nước là thống nhất nên những gì thuộc về yếu tố thống nhất thì phải do bộ ngành quản lý, còn khâu thực thi thì mới phân cấp về chính quyền địa phương.
"Chúng tôi sẽ phối hợp TP.HCM trên tinh thần phân cấp mạnh nhất. Trong trường hợp bộ ngành có sự níu kéo, nếu TP.HCM giải trình phù hợp, thuyết minh được thì Bộ Nội vụ sẽ đồng hành cùng TP.HCM trình Thủ tướng quyết định", ông Nam nói thêm.
Như việc thẩm định, nghiệm thu công trình cấp 1 thuộc thẩm quyền Trung ương, nhưng căn cứ điều kiện và khả năng của mình, TP.HCM có thể tự thực hiện được thì cứ trình.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói trong thực tế có những việc nếu để địa phương làm thì nhanh hơn, nhưng quy định phải để cơ quan Trung ương thực hiện dẫn đến thủ tục rườm rà, doanh nghiệp phản ánh không tốt.
Ông Võ Văn Hoan cũng nhắc lại quan điểm của Thủ tướng đề nghị các bộ ngành tập trung xây dựng pháp luật, chính sách và kiểm tra giám sát, hạn chế tối đa việc thực thi, thay vào đó giao cho địa phương thực thi, nhất là những địa phương có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, con người.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM nói thêm, khi xây dựng dự thảo nghị định, TP.HCM liệt kê rất nhiều nhưng khi trao đổi với bộ ngành thì nhiều vấn đề không tìm được tiếng nói chung.
"Nếu cầu toàn, muốn tất cả đều được thì quá khó, cứ tranh luận giữa bộ với thành phố thì không biết chừng nào mới có nghị định. Vậy nên cái nào được bộ ủng hộ thì đưa vào làm trước, cái nào chưa đồng tình thì gom lại trình Thủ tướng phân vai", ông Hoan nói thêm.
Theo ông Hoan, các vấn đề mà TP.HCM đề nghị phân cấp cũng chỉ tập trung vào những việc hiện hữu, thẩm quyền Thủ tướng, Chính phủ, bộ ngành về chứ không xin những điều mới mẻ. Dự kiến, dự thảo nghị định này sẽ được trình Thủ tướng ban hành cuối tháng 2.2024.