Chiều 10-1, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết ngành du lịch TP và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Một năm nhiều sản phẩm du lịch mới
Ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết năm 2023, thành phố tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỉ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam.
Năm 2023, ngành du lịch TP đón được gần 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch trên 160.000 tỉ đồng. Định vị thương hiệu du lịch ngày càng được khẳng định trên phạm vi quốc tế, được vinh danh là "Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á" và "Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu châu Á" và nằm trong top 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2023.
Công tác phát triển sản phẩm du lịch chuyển biến tích cực theo hướng xây dựng bộ sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố và sản phẩm du lịch theo từng thị trường trên cơ sở nâng chất các sản phẩm du lịch hiện có của thành phố và hoàn thiện sản phẩm du lịch của 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Thành phố đã công bố gần 50 sản phẩm du lịch với 20 sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, mới lạ và đặc sắc, dành cho nhiều phân khúc khách du lịch trung và cao cấp.
Trên cơ sở những thành quả đạt được, du lịch TP.HCM đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, con số này bằng 70% so với trước dịch. Tuy nhiên, doanh thu toàn ngành đạt mức cao, 190.000 tỉ đồng.
Sớm hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch TP
Nêu bật những kết quả mà ngành du lịch TP.HCM đạt được, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nhận định TP.HCM sẽ đóng vai trò trụ cột trong phục hồi, tăng trưởng du lịch Việt Nam.
Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh định hướng xây dựng, phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, sản phẩm dịch vụ đặc trưng riêng theo hướng phát huy và khai thác các thế mạnh, bản sắc và tiềm năng về du lịch của thành phố.
"Cùng với đó là đẩy nhanh quá trình số hóa, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu, tạo bước chuyển biến có tính đột phá, lan tỏa trong liên kết phát triển du lịch nội vùng Đông Nam Bộ, liên kết với vùng ĐBSCL và các vùng, địa phương khác trong cả nước", ông Khánh lưu ý.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nêu trong kế hoạch triển khai của ngành, các hạn chế và điểm nghẽn chủ yếu do liên kết với các sở, ban ngành khác.
Trong lúc này, du lịch TP.HCM cần nhanh chóng hoàn thiện Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để có cách làm hiệu quả, khi đó hoạt động du lịch sẽ có định hướng rõ nét, lộ trình cụ thể để thực hiện nhiệm vụ đề ra.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện công ty lữ hành Chim Cánh Cụt cho biết năm qua, mặc dù các chương trình du lịch nội đô xuất hiện và mang nhiều nét riêng, đặc sắc nhưng vẫn chưa thật sự tiếp cận và phổ biến nhiều đến du khách trong và ngoài nước. Một số khó khăn cũng đến từ việc liên kết với các điểm, khu du lịch trong xây dựng sản phẩm.
Để tăng doanh thu, việc tiếp cận các khách hàng tiềm năng đến khi có lượng khách hàng nhất định cần thời gian. Bên cạnh đó, các điểm đến, khu du lịch cần được đầu tư, cải tạo... để tăng sự hấp dẫn.
Theo số liệu từ Trạm Thông tin và Hỗ trợ khách du lịch TP.HCM, tổng số lượt khách được hỗ trợ trong năm 2023 đã tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.