Các địa phương tăng cường san sẻ cát thực hiện dự án trong điểm
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành công điện 02 về Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, chỉ đạo nhiều giải pháp đến các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng.
Ngay từ thời điểm đầu năm, các địa phương cũng đang tích cực gỡ khó, đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến cung ứng vật liệu xây dựng. Trong đó có sự chủ động phối hợp, san sẻ giữa các địa phương.
2024 sẽ là năm cao điểm của dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, khi nhu cầu cát san lấp để thực hiện dự án này lên đến 5,5 triệu m3. Chính quyền TP Hồ Chí Minh đang tiến hành đàm phán với chính quyền các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre để nhận được nguồn cát hỗ trợ dự kiến 10 triệu m3, với mục tiêu không chỉ để cho năm nay, mà phải chuẩn bị cho cả những năm tới nữa.
Lượng cát san lấp cần được huy động cho dự án đường Vành đai 3 trong năm nay đã chiếm đến 60% tổng nhu cầu của toàn bộ dự án. Thời điểm này chính quyền TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với 6 tỉnh ĐBSCL để cụ thể hóa phương án cung ứng.
Nhiều giải pháp gỡ khó cung cứng vật liệu xây dựng cho các dự án trọng điểm đang tích cực triển khai. Ảnh minh họa.
Hiện đã xác định được 25 mỏ cát có thể được khai thác để dùng cho Vành đai 3. Ban Giao Thông thành phố cho biết sẽ vận dụng tối đa các cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục liên quan.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết: "Đối với những mỏ vật liệu có thể khai thác cung cấp ngay thì chúng ta sẽ đưa ngay vào các danh mục để phục vụ Vành đai 3. Nhóm thứ 2 là các mỏ cần thủ tục khai thác, gia hạn hay làm giấy phép mới... sẽ áp dụng cơ chế đặc thù mà Chính phủ đã cho phép đối với Vành đai 3 để rút ngắn thủ tục này. Các công tác này đang triển khai đúng tiến độ…".
Dự kiến, ngay trong tháng 1 chính quyền TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng danh mục cụ thể về trữ lượng cát gắn với địa điểm và lộ trình khai thác phục vụ dự án Vành đai 3. Đây là nỗ lực phối hợp giữa thành phố với các tỉnh lân cận. Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng hơn là các địa phương nỗ lực thực hiện đúng các cam kết mới đảm bảo tiến độ dự án.
ĐBSCL lên phương án sử dụng cát biển làm san lấp các công trình
Sự phối hợp, san sẻ và thực hiện đúng cam kết đúng là đòi hỏi những nỗ lực rất lớn từ các địa phương. Các tỉnh tại khu vực ĐBSCL cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn cát san lấp.
Việc tìm kiếm các vật liệu khả thi thay thế cũng là một nội dung được nhấn mạnh trong công điện mới của Thủ tướng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành, báo cáo kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp làm cơ sở để cấp phép khai thác, giảm phụ thuộc vào cát sông.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục khai thác cát biển đã được đánh giá tài nguyên để kịp thời khai thác. Các địa phương cũng như đơn vị thi công cần chủ động các phương án sử dụng cát biển làm vật liệu thay thế.
Các dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL cần nguồn cát san lấp đến 54 triệu khối. Ảnh minh họa.
Sau hơn 1 năm thi công, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chỉ đạt khoảng 15% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Do đó, sử dụng cát biển là một hướng đi cấp thiết.
Hiện vùng biển Sóc Trăng đã khoanh định được 6 vùng phân bố cát có khả năng làm vật liệu xây dựng. Dự báo tài nguyên khoảng 14 tỷ m3. Sóc Trăng sẵn sàng chia sẻ tài nguyên cát cho các dự án trọng điểm quốc gia.
Các dự án giao thông trọng điểm ĐBSCL cần nguồn cát san lấp đến 54 triệu khối. Hiện đoạn thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường cho kết quả khả quan.
Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho liên quan đến khai thác mỏ vật liệu, đặc biệt trong việc rút ngắn thời gian làm thủ tục khai thác, cũng như nâng công suất khai thác tăng 50%.
Tuy nhiên, việc thực thi cần được tính toán kĩ lưỡng để hài hòa yêu cầu đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm, nhưng không gây tác động xấu đến môi trường, thực thi một cách tốt nhất, hiệu quả nhất chỉ đạo của Thủ tướng trong Công điện 02.
VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 9/1/2024 chỉ đạo gỡ khó về định mức, đơn giá, vật liệu xây dựng công trình giao thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.15303125011104202-meid-gnort-na-ud-ohc-gnud-yax-ueil-tav-ohk-og/et-hnik/nv.vtv