Nhận định đầu tư
Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV): Đà tăng của thị trường thu hẹp và có dấu hiệu chững lại khi các cổ phiếu ngân hàng đang có dấu hiệu chốt lời. Dù thị trường tăng nhưng số mã xanh ít hơn số mã đỏ cho thấy dòng tiền chỉ vào một vài mã ngân hàng có vốn hóa lớn khiến chỉ số tăng.
Xu hướng thị trường vẫn tốt và việc chững lại của VN-Index cũng bình thường khi đã tăng nóng liên tục trong suốt thời gian qua.
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường dự báo sẽ điều chỉnh và rung lắc quanh vùng 1.160 điểm và có thể kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 1.150 điểm, nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng không nên mua đuổi giá cao.
Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang dần củng cố và hình thành nền tảng tích lũy nhưng quá trình này sẽ kéo dài, nhà đầu tư trung dài hạn hoàn toàn có thể giải ngân nhưng với quan điểm mua tích lũy dần vì thời điểm hình thành uptrend mới sẽ còn khá dài.
Chứng khoán Đông Á (DAS): VN-Index tạm giữ được xu hướng tăng trung hạn, nhưng có thể cần thêm thời gian để nhà đầu tư cân bằng lại danh mục và hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn. Với chính sách lãi suất thấp kéo dài trong giai đoạn hiện nay, cổ phiếu bất động sản, thép và đầu tư công có thể là những cơ hội đầu tư tiếp theo trong tầm nhìn trung hạn khi nhóm này đang sử dụng đòn bẩy tài chính cao và đang hưởng lợi trực tiếp từ chính sách tín dụng.
Nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu cho danh mục trung dài hạn, quan tâm nhóm cổ phiếu bất động sản dân cư, xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, cổ phiếu khu công nghiệp và cổ phiếu bán lẻ.
Tin vắn chứng khoán
- Xuất khẩu dệt may và những tín hiệu vui. Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc giảm 3,1 tỷ USD (giảm 8,9%); xuất khẩu vải giảm 186 triệu USD (giảm 6,9%); xuất khẩu xơ sợi giảm 485 triệu USD (giảm 10,3%); xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 218 triệu USD (giảm 16%).
- “Nền kinh tế thế giới sắp bước sang một siêu chu kỳ mới". Trong một chương trình của hãng tin CNBC, ông Peter Oppenheimer, giám đốc bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại châu Âu của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, nhận định nền kinh tế thế giới sắp bước vào một “siêu chu kỳ” mới, trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và quá trình phi carbon hóa là các nhân tố thúc đẩy chính.
“Rõ ràng chúng ta sắp bước vào một siêu chu kỳ khác”, ông Oppenheimer nói trong chương trình “Squawk Box Europe” ngày 8/1 của CNBC. "Siêu chu kỳ” được định nghĩa là giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài, thường gắn liền với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng, nhu cầu hàng hóa lớn, dẫn tới giá cả và lượng việc làm cùng tăng lên.