Hiệu ứng gây trầm trồ từ tuổi tác của tân thủ tướng tạm che đậy những tác động sôi sục của cuộc khủng hoảng cải cách hưu trí nửa đầu năm ngoái, cũng như của đạo luật nhập cư đầy tranh cãi mới được lưỡng viện Quốc hội Pháp thông qua hôm 19-12, khiến bà Borne rốt cuộc phải "tung khăn đầu hàng".
Nhiều lần "qua mặt" quốc hội
Thật ra dư luận Pháp đã um sùm sau khi cuộc họp hằng tuần hôm thứ tư tuần rồi của Hội đồng Bộ trưởng đã bị bãi bỏ vào giờ chót, trong khi chủ tọa của hội đồng này chính là Tổng thống Emmanuel Macron! Phải chăng bà Borne đã phải "trả tiền đền những cái chậu bị bể" như cách nói của người Pháp?
Nếu giở lại lịch năm 2023 sẽ thấy tháng 3 năm ngoái tình hình nước Pháp rối loạn chưa từng thấy. Ngày 20-3, bà Borne thoát khỏi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vì lạm dụng điều khoản 49.3 của Hiến pháp Pháp cho phép chính phủ ban hành luật mà không cần quốc hội phê chuẩn để thông qua dự thảo luật cải cách hưu trí vốn bị phản đối tứ phía.
Trong khi bà Borne và ông Macron đang hể hả với thắng lợi "49.3" thì dân Pháp nổi giận ào ào xuống đường nhiều hơn trước.
Luật cải cách hưu trí vừa được Chính phủ Pháp tự thông qua hôm 20-3 thì ba ngày sau, ngày 23-3, đã có đến 3,5 triệu người xuống đường trên toàn quốc (theo các công đoàn), hơn 1 triệu người (theo Bộ Nội vụ Pháp).
Bà Borne lúc đó mới giữ chức thủ tướng được 10 tháng, trong khi dự luật cải cách hưu trí là "tác phẩm" của ông Macron, nên rõ ràng bà đã "cứu chúa".
Tính đến cuối năm 2023, tổng cộng bà Borne đã 23 lần vận dụng điều khoản 49.3 để tự thông qua các dự luật theo ý chính phủ, trung bình hơn một lần mỗi tháng. Thấy Quốc hội bị "qua mặt" kiểu đó, người dân rần rần xuống đường phản đối.
Mặc dù dự luật cải cách hưu trí là từ ông Macron - ông đã dùng nó làm đề tài tranh cử tổng thống năm 2017 - song cũng có những đạo luật là từ bà Borne. Tỉ như luật tài chính năm 2023 do chính phủ của bà Borne chuyển qua Quốc hội.
Bà Thủ tướng đã 10 lần ra trước Quốc hội, viện dẫn điều 49.3 tuyên bố chịu trách nhiệm về dự luật tài chính này và sẽ ban hành nó, Quốc hội miễn bỏ phiếu chi cho mất công và "rách việc"!
Báo Le Monde ngày 15-12-2022 thuật lại như sau: "Đây là lần thứ 10 và cũng là lần cuối cùng mà điều 49.3 được cơ quan hành pháp sử dụng để thông qua luật ngân sách do gặp trở ngại khi chỉ có đa số tương đối ở Hạ viện và thiểu số tại Thượng viện".
Chuyện bà Borne 10 lần viện dẫn điều 49.3 được tờ Le Monde giải thích như sau: mỗi lần chính phủ sử dụng điều 49.3 để ban hành một đạo luật thì trong vòng 24 giờ, phe đối lập phải nộp một đề xuất bất tín nhiệm, và nếu được quốc hội thông qua, đạo luật của chính phủ sẽ bị vô hiệu và phải làm lại thủ tục từ đầu.
Thế là bà Borne đã phải 10 lần giở điều 49.3 sau khi bị các nghị sĩ kiến nghị bất tín nhiệm 10 lần! Trong 20 tháng cầm quyền, bà Borne còn phải đứng trước nhiều vấn đề dân sinh khác đầy bức bách như nhà ở, y tế... thuộc thẩm quyền của bà còn dang dở... Thành ra, cũng chưa hẳn ông Macron "ăn ốc" và nay bà Borne "đổ vỏ"!
Lời cảm ơn của ông Macron
"Thưa nữ Thủ tướng Élisabeth Borne quý mến, công việc mỗi ngày bà làm để phục vụ đất nước quả là gương mẫu. Bà đã đưa dự án của chúng ta vào hoạt động với sự can trường, tận tụy và quyết tâm của những nhà lãnh đạo quốc gia. Tự đáy lòng, cảm ơn bà".
Chẳng qua, ông Macron cần thay ngựa giữa dòng thôi! Trước mắt, bất cứ sự thay đổi nhân sự nào ở cấp thủ tướng cũng là để hạ nhiệt, giảm áp lực trong nồi "súp de" (nồi hơi). Kế đến là hướng tới tương lai rất gần: trong hai ngày 8 và 9-6 tới đây sẽ bầu nghị viện châu Âu và đảng cầm quyền (trong đó có ông Macron và bà Borne) không thể thua!
Thành ra, tốt hơn cả là bà Borne vui lòng ra đi giùm! Câu chuyện bầu bán không dừng ở đó. Qua năm 2026 sẽ bầu hội đồng thành phố trong khuôn khổ châu Âu. Qua năm sau nữa, 2027, sẽ bầu tổng thống Pháp. Tất nhiên lúc đó ông Macron, sau khi hoàn tất hai nhiệm kỳ, sẽ phục viên nhưng dứt khoát ông phải chuẩn bị cho người cùng đảng với ông thắng cử. Một trong những nhân vật được chuẩn bị đó chính là ông Gabriel Attal vừa thay thế bà Borne.
Tuổi trẻ tài cao?
Có lẽ chuyện tuổi tác của tân Thủ tướng Gabriel Attal mới 34 tuổi ("trẻ nhất thế giới") cũng tạm đủ để gây tò mò và tiếng vang, che lấp những thị phi về bà Borne còn dang dở. Trong lịch sử chính trị Pháp, vào thập niên 1980, dư luận cũng từng "hít hà" với chuyện ông Laurent Fabius thuộc Đảng Xã hội Pháp, khi đó mới 37 tuổi, được tổng thống François Hollande bổ nhiệm làm thủ tướng và ông đã giữ chức này từ tháng 7-1984 tới tháng 3-1986 khá thành công.
Chi tiết "bộ trưởng giáo dục" của ông Attal cũng không hẳn là một giá trị "làm bằng" nặng ký bởi ông cũng chỉ mới giữ chức này từ tháng 7 năm ngoái, tức mới năm tháng. Chức vụ trước đó của ông từ năm 2022 tới tháng 7-2023 là bộ trưởng ủy nhiệm (hàm bộ trưởng) phụ trách tài khoản công mới đáng lưu ý. Bởi khi đó ông chịu trách nhiệm quản lý các tài khoản công, soạn ngân sách nhà nước, chống gian lận thuế, chính là giúp ông tập việc thủ tướng bây giờ.
Mỗi hệ thống có những phương thức tuyển lựa, đề bạt, tập việc, thử thách cũng như những mặt bằng học vấn và đào tạo khác nhau. Thành ra, câu chuyện tuổi trẻ tài cao này hay thì cũng thật là hay, song tất cả vẫn còn ở thì tương lai.
Làm thủ tướng ở tuổi 34, Gabriel Attal đang được xem là người có tiềm năng kế nhiệm Tổng thống Emmanuel Macron. Hoặc ngược lại, như lời của phe đối diện, Attal chỉ là một “người phát ngôn”.