Cơ quan Phúc lợi động vật và thực vật Anh (APHA) hôm 10-1 cho biết họ đã tìm thấy vi rút cúm gia cầm ở hải cẩu và một số loài động vật khác sống ở đảo South Georgia, Nam Cực.
Phát hiện này khiến nhiều chuyên gia lo lắng mầm bệnh H5N1 đang tìm cách tồn tại trong cơ thể động vật có vú, bao gồm cả con người.
Giáo sư Ian Brown, giám đốc dịch vụ khoa học của APHA, chia sẻ: “Nam Cực là một điểm nóng đặc biệt và độc đáo về đa dạng sinh học, thật đáng buồn và đáng lo khi chứng kiến căn bệnh này lây lan sang các loài động vật có vú trong khu vực”.
Đây không phải lần đầu tiên chim chóc lây cúm gia cầm cho động vật có vú. Vào năm 2021, một số loài chim di cư mắc bệnh đã truyền vi rút sang nhiều động vật ở Bắc Mỹ như cáo, chồn hôi, gấu, linh miêu, gấu mèo...
Đại diện nhóm nghiên cứu, chuyên gia cúm gia cầm Ashley Banyard cho biết những con hải cẩu ở đảo South Georgia mắc H5N1 do ăn xác chim chết hoặc tiếp xúc với phân chim. Họ chưa tìm thấy bằng chứng về việc chúng lây cúm gia cầm cho nhau.
Tuy nhiên trường hợp động vật có vú lây H5N1 cho nhau đã từng xuất hiện.
Trong đợt bùng phát H5N1 ở vùng New England (Mỹ) xảy ra vào tháng 6-2022, các chuyên gia y tế phát hiện hải cẩu trong khu vực này lây truyền bệnh cúm cho nhau. Điều tương tự cũng xảy ra với hải cẩu ở Peru, Brazil và Chile.
Tháng 7-2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo vi rút cúm gia cầm có thể thích nghi để lây nhiễm sang người dễ dàng hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ ghi nhận 19 trường hợp người nhiễm H5N1 trên toàn cầu từ tháng 1-2022 đến tháng 12-2023, trong đó 5 người đã tử vong. Tất cả các bệnh nhân đều bị lây nhiễm từ gia cầm.
Các nhà khoa học APHA còn tìm thấy H5N1 ở hải cẩu voi, hải cẩu lông và một số loài chim biển như mòng, nhạn... trong chuyến thám hiểm kéo dài 3 tuần nói trên.
Gần 1.000 con hải cẩu và sư tử biển chết ở Brazil vì cúm gia cầm trong đợt bùng phát cúm gia cầm đầu tiên trong năm tại quốc gia xuất khẩu gia cầm hàng đầu thế giới.