Giữ lại quy định về Quỹ phát triển đất
Ngày 11/1, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị với Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư và đề nghị giữ lại quy định về Quỹ phát triển đất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo HoREA, đề xuất Nhà nước chỉ thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với đất đã giải phóng mặt bằng (đất sạch) tại Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhưng đề xuất này chỉ có thể thực hiện được trong khoảng 10 năm tới trở đi, khi mà Nhà nước có nguồn ngân sách dồi dào để cấp vốn cho “Quỹ phát triển đất” để cung ứng vốn cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” (“Trung tâm phát triển quỹ đất” cấp tỉnh hiện nay) và “Tổ chức phát triển quỹ đất” có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ “phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất” theo quy định tại Chương VIII Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tuy nhiên, do Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay lại bỏ quy định về “Quỹ phát triển đất” nên không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định của Luật Đất đai, lại vừa thiếu cơ chế để triển khai thực hiện Chương VIII về “phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất”.
Nên Hiệp hội đề nghị giữ lại “Quỹ phát triển đất” để ứng vốn cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” để phát triển quỹ đất, tạo quỹ đất để thực hiện các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), hoặc để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.
Phải quy định rõ chi phí trong hồ sơ mời thầu
Ngoài ra, Hiệp hội nhận thấy, quy định về “giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất” đối với trường hợp “đất chưa giải phóng mặt bằng” tại Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
HoREA cho rằng, trong tình hình thực tiễn hiện nay, nguồn lực Ngân sách Nhà nước còn rất hạn chế thì việc xã hội hóa, huy động nguồn lực tài chính của nhà đầu tư trúng thầu dự án nhà ở thương mại để Nhà nước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thật thỏa đáng cho người có đất bị thu hồi là rất cần thiết.
Mục tiêu này cũng nhằm thực hiện đầy đủ vai trò "kiến tạo" của Nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của tất cả các bên gồm người có đất bị thu hồi, nhà đầu tư và lợi ích công cộng do Nhà nước là người đại diện như mục đích của các quy định tại Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tuy nhiên, do điểm c khoản 3 và khoản 6 Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định chưa cụ thể nên Hiệp hội góp ý thêm trong 2 trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, hồ sơ mời thầu đã có quy định chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và nhà đầu tư trúng thầu đã đề xuất chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong hồ sơ dự thầu thì có thể gây rủi ro, làm thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước trong trường hợp chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực tế thường phát sinh tăng cao hơn chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã đề xuất.
Trường hợp thứ hai, hồ sơ mời thầu không quy định chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà sau khi trúng thầu, nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì chi phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ vẫn còn là "ẩn số" đối với các nhà đầu tư dự thầu và nhà đầu tư trúng thầu vì không thể tiên lượng được chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng này.
Do đó, HoREA đề nghị cần phải hoàn thiện lại nội dung điểm c khoản 3 và khoản 6 Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng cần phải quy định rõ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong hồ sơ mời thầu.
Bên cạnh đó, quy định rõ trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực tế phát sinh không vượt quá 20% chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư trúng thầu, nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để hạn chế tối đa rủi ro có thể dẫn đến thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước…