Các doanh nghiệp cho rằng cần đánh giá tổng thể thực trạng áp dụng hóa đơn điện tử với hệ thống bán lẻ xăng dầu để có hướng dẫn cụ thể. Đồng thời có biện pháp quản lý ngay cả với đơn vị cung cấp giải pháp nhằm đảm bảo có chi phí phù hợp và tránh gian lận.
Nhiều gói giải pháp hóa đơn với đủ mức giá
Là đơn vị có 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tiu, chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP xăng dầu Tự Lực 1, cho hay sau một thời gian khảo sát thị trường, doanh nghiệp này đã tìm được nhà cung cấp lắp đặt hạ tầng và thiết lập hệ thống hóa đơn điện tử cho các cửa hàng bán lẻ.
Theo ông Tiu, thị trường hiện đang có nhiều đơn vị tư vấn các phần mềm quản lý, hóa đơn với đủ mức giá khác nhau. Tùy vào nhu cầu và hạ tầng thực tế, doanh nghiệp sẽ lựa chọn đầu tư, lắp đặt hệ thống quản lý, vận hành hóa đơn điện tử với giá tiền phù hợp. Với hệ thống cửa hàng xăng dầu Tự Lực, ông Tiu cho biết đã lựa chọn gói dịch vụ, cung cấp giải pháp có chi phí 40 triệu đồng, bao gồm cả xuất hóa đơn, quản lý số liệu bán hàng, dòng tiền, công nợ…
"Việc áp dụng hóa đơn điện tử nhiều doanh nghiệp kêu khó khăn. Bởi cùng lúc phải đầu tư số tiền lớn, cũng như chi phí thường xuyên để vận hành. Song chúng tôi xác định đây là khoản đầu tư dài hạn, sẽ giúp quản trị được tốt hơn. Trước đây quản trị thủ công thì giờ tự động, tiết kiệm chi phí, nhân lực, quản lý chặt chẽ hơn" - ông Tiu nói.
Đại diện Công ty xăng dầu Tín Nghĩa, đơn vị có hệ thống bán lẻ tại Đồng Nai, cho hay khó nhất với doanh nghiệp là chi phí. Vì đầu tư cho cả hệ thống phải lên tới vài trăm triệu, chưa kể chi phí vận hành, in mỗi hóa đơn từ 80 - 100 đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn đang thực hiện để vừa phục vụ nhu cầu quản lý, vừa đáp ứng quy định pháp luật.
Khảo sát của Tuổi Trẻ cũng cho thấy trên thị trường có nhiều giải pháp công nghệ với nhiều chi phí khác nhau, phụ thuộc vào hiện trạng của doanh nghiệp sử dụng cột bơm cơ hay điện tử, chỉ quản lý dữ liệu hóa đơn hay bao gồm cả quản trị hệ thống. Nếu là cột bơm cơ đã cũ sẽ phải thay đổi toàn bộ hệ thống, chi phí có thể lên tới gần trăm triệu đồng. Với cột bơm điện tử, một cửa hàng xăng dầu chỉ cần bỏ ra từ 30 - 40 triệu đồng gồm cả chi phí quản lý, vận hành.
Cần có chính sách khuyến khích hợp lý
Là một trong những đơn vị đã cơ bản hoàn thiện việc xuất hóa đơn sau từng lần bán hàng, ông Lưu Văn Tuyển - phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - cho biết doanh nghiệp này đã đầu tư hạ tầng, quản lý dữ liệu từ năm 2014 và áp dụng hóa đơn điện tử từ năm 2018. Với nền tảng công nghệ và hệ thống quản trị dữ liệu sẵn có, Petrolimex chỉ đầu tư thêm phần mềm và giải pháp để thống nhất và đồng bộ dữ liệu.
Đến nay khoảng 2.700 cửa hàng của Petrolimex đều có thể phát hành hóa đơn sau từng lần bán hàng theo mọi nhu cầu, giúp nâng cao hiệu quả quản trị của doanh nghiệp và quản lý của cơ quan nhà nước. Tuy vậy, việc phát hành hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng vẫn chủ yếu được thực hiện ở các khách hàng lớn, chiếm tỉ trọng khoảng 4-5%, còn lại là khách hàng cá nhân không lấy hóa đơn, chiếm tỉ trọng 95-96%.
Với nhóm này, Petrolimex đã có sẵn dữ liệu, nên chỉ cần truy cập hệ thống, dữ liệu sẽ được tự động cập nhật vào hóa đơn để phát hành. Một số khách hàng lớn như các đơn vị vận chuyển, Petrolimex còn kết nối trực tiếp với hệ thống kế toán để truyền dữ liệu hóa đơn trực tiếp sang đơn vị, giúp tài xế không phải mất công lấy từng hóa đơn lẻ.
Với những khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn, các dữ liệu được ghi nhận đồng bộ để chuyển thẳng về cơ quan thuế.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai lắp đặt hệ thống hóa đơn điện tử, Petrolimex cũng có chính sách hỗ trợ các thương nhân nhượng quyền, như hỗ trợ tối đa lên tới 30 triệu đồng/cửa hàng cho việc lắp đặt thiết bị lưu trữ, phần mềm quản lý, camera, hóa đơn… tùy vào thực trạng từng cửa hàng.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia thuế, để khuyến khích người dân lấy hóa đơn sau từng lần mua hàng, Bộ Tài chính có thể đưa ra những giải pháp như tuyên truyền thông tin, dùng hóa đơn quay số lấy thưởng. Hoặc thực hiện khấu trừ thuế như khấu trừ gia cảnh với những trường hợp chịu thuế thu nhập cá nhân, có lấy hóa đơn khi mua hàng để tăng sự khuyến khích với người dân trong việc ủng hộ chủ trương này.
Có hướng dẫn rõ, quản lý để tránh gian lận
Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu băn khoăn rằng việc phát hành hóa đơn điện tử được áp dụng cho từng lần bán hàng hay chỉ khi khách hàng có nhu cầu mới xuất hóa đơn? Cũng bởi có tới 70-80% khách mua xăng dầu hiện nay là mua lẻ, không có nhu cầu lấy hóa đơn. Nếu quy định mỗi giao dịch đều phải xuất hóa đơn sẽ là gánh nặng lớn về chi phí mà không cần thiết.
Do chưa hiểu rõ về việc phát hành hóa đơn sau từng lần bán hàng với xăng dầu nên nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ cũng chào mời các gói khác nhau. Một doanh nghiệp chia sẻ có đơn vị công nghệ chào gói dịch vụ lắp đặt camera để thu nhận dữ liệu bán hàng vào hệ thống phần mềm và "tính tiền" trên từng hóa đơn bán hàng. Hoặc chi phí vận hành hóa đơn có nơi 100 đồng, có nơi chào giá 300 hoặc thậm chí 500 đồng/hóa đơn…
Một số doanh nghiệp đã triển khai đồng bộ hóa đơn điện tử cho biết theo hướng dẫn từ cơ quan thuế và thực tế, không phải mọi giao dịch mua xăng dầu đều phát hành hóa đơn điện tử. Bởi theo quy định tại nghị định 123 về quản lý, sử dụng hóa đơn, với các hóa đơn có đầy đủ thông tin (người mua, mã số thuế…) sẽ được phát hành ngay theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân mua hàng.
Những hóa đơn không đầy đủ thông tin (hóa đơn này thường chỉ ghi thông tin lượng xăng dầu bán ra - PV) sẽ được lưu giữ tại doanh nghiệp bán hàng. Trên cơ sở đó, hệ thống dữ liệu hóa đơn đều sẽ được tổng hợp để gửi tới cơ quan thuế, phục vụ công tác quản lý. Do đó, các doanh nghiệp cho rằng cần phải có hướng dẫn và cách giải thích cụ thể về việc phát hành hóa đơn sau từng lần bán hàng.
"Có phải tất cả các giao dịch đều phải phát hành hóa đơn hay không? Gắn với đó, cần có biện pháp quản lý với các đơn vị cung cấp các gói dịch vụ về hóa đơn cho phù hợp với nhu cầu và đặc thù lĩnh vực xăng dầu, công tác quản lý. Việc này nhằm có mức giá và chi phí phù hợp về giải pháp hóa đơn điện tử cho xăng dầu, tránh tình trạng mỗi nơi chào giá một kiểu, nguy cơ tiềm ẩn gian lận từ việc phát hành hóa đơn", một doanh nghiệp nói.
Nhiều đơn vị cung cấp giải pháp bị quá tải
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kiến nghị cần đánh giá tổng thể thực trạng lắp đặt hệ thống hóa đơn điện tử để có giải pháp triển khai cho phù hợp. Bởi đang có thực tế là do yêu cầu Chính phủ đưa ra phải thực hiện trong tháng 12-2023, tức là đã chậm so với thời hạn, nhiều đơn vị cấp tập lắp đặt nên các đơn vị cung cấp giải pháp bị quá tải.
Vì vậy, cần có giải pháp hỗ trợ trong trường hợp doanh nghiệp không kịp hoàn thành theo thời hạn. Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất có thể kéo dài lộ trình trong quý 1-2024 hoặc áp dụng dài hơn cho các hệ thống xăng dầu cũ, vùng sâu vùng xa nguồn lực tài chính có hạn. Đồng thời cần tính toán đưa vào chi phí này là khoản đầu tư hợp lý, hợp lệ trong chi phí tính giá cơ sở xăng dầu.
Hàng chục nghìn cửa hàng xăng dầu bán lẻ sẽ phải áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế nhằm ngăn chặn hàng giả, trốn thuế. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, cần có cơ chế khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi đổ xăng.