Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa thông tin thêm về tình trạng của hai trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng do tự chế pháo tại nhà ở Lâm Đồng, gồm P.V.G.B. (14 tuổi) và bé N.V.H. (15 tuổi).
Qua nguy kịch nhưng ảnh hưởng mắt nghiêm trọng
Bác sĩ Phạm Thái Sơn - trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Nhi đồng 2) - cho biết các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng sốc, mất máu, tổn thương nhiều cơ quan từ mặt, khí quản, ngực bụng...
Theo bác sĩ Sơn, khi máy xay sinh tố hoạt động đã kích hoạt làm vật liệu phát nổ trong máy sinh tố. Vỏ máy sinh tố làm bằng thủy tinh nên khi phát nổ đã tạo thành những mảnh vỡ gây tổn thương hầu hết các cơ quan của hai bé.
Trong đó, B. ở gần nên bị nặng hơn khi chấn thương từ vùng chậu trở lên mặt. Theo bác sĩ chuyên khoa mắt đánh giá, B. bị tổn thương mắt rất nặng, nhiều khả năng không giữ được hai mắt của bé. "Những mảnh vỡ thủy tinh đã đâm vào khí quản, làm rách màng phổi, gây tràn khí màng phổi, đâm vào gan, ruột, tay... của bé. Các bác sĩ đã nội soi gắp những dị vật này ra" - bác sĩ Sơn nói.
Còn N.V.H., theo bác sĩ Sơn, do ở xa nên chấn thương nhẹ hơn nhưng hai mắt cũng bị tổn thương nặng, ảnh hưởng đến thị lực. Các bác sĩ phải phối hợp với nhiều chuyên khoa, phẫu thuật hơn 10 giờ lấy dị vật và cố gắng cứu sống hai bệnh nhi. Hiện cả hai em vẫn đang phải thở máy và đã tạm qua tình trạng nguy kịch.
Tai nạn do tự chế pháo nổ ở trẻ gia tăng
Bác sĩ Vũ Hiệp Phát - trưởng khoa cấp cứu (Bệnh viện Nhi đồng 2) - nhận xét: Trong ba năm gần đây, những vụ tai nạn do tự chế pháo nổ ở trẻ nhiều hơn. Có thể do mạng xã hội phát nhiều clip chế tạo pháo. Theo cảm nhận của ông, những vụ tai nạn này ngày càng nhiều hơn...
Theo ông, nhiều bé bị tai nạn do tự chế pháo nổ đã để lại di chứng như bỏ mắt, đoạn chi, ảnh hưởng đến thần kinh gây co giật...
Còn theo bác sĩ Sơn, từ tháng 12-2023 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận một số trường hợp tai nạn do liên quan đến pháo nổ, đặc biệt thường gặp ở nhóm tuổi thanh thiếu niên từ 10 tuổi trở lên do các cháu chơi hoặc làm theo các clip chế tạo những vật liệu nổ như pháo. Trong đó, có em đã bị cụt 3 ngón tay.
"Việc tự chế pháo là một hoạt động rất nguy hiểm, có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ em và những người xung quanh. Vì thế gia đình, trường học và cộng đồng cần hợp tác để giáo dục trẻ em nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người", bác sĩ Sơn lưu ý.
Thời gian gần đây các bệnh viện trong TP.HCM liên tục cảnh báo những trường hợp trẻ em bị tai nạn nặng, có nhiều bệnh nhi bị những di chứng về sau, ảnh hưởng đến sức khỏe.