Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết đã hai lần gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là việc xử lý quỹ bình ổn của hai doanh nghiệp là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà và Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức để làm cơ sở thực hiện các quy định cần thiết nhằm rút giấy phép các đơn vị này sau nhiều lần vi phạm.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính phản hồi rằng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm với vai trò là cơ quan cấp phép doanh nghiệp, xác lập và hình thành quỹ bình ổn giá, chủ động xử lý đồng bộ với quỹ bình ổn giá xăng dầu khi thực hiện thu hồi giấy phép với doanh nghiệp, thu hồi quỹ về ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính là đơn vị đầu mối tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát, chốt số dư quỹ bình ổn xăng dầu đối với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương là đơn vị phối hợp khi có yêu cầu, theo quy định của nghị định kinh doanh về xăng dầu và chỉ đạo của Chính phủ.
Trong thực tế, Bộ Tài chính đã chủ trì để kiểm tra, xác minh việc chuyển nộp quỹ bình ổn vào ngân sách của một số doanh nghiệp như Xuyên Việt Oil và Hưng Phát. Cũng theo Bộ Công Thương, các hành vi vi phạm quy định về quỹ bình ổn xăng dầu của Công ty Hải Hà và Công ty Thiên Minh Đức xảy ra từ năm 2022 đến nay, với 4 lần bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn chưa khắc phục hậu quả.
Cụ thể, Công ty Hải Hà đã vi phạm về quỹ bình ổn giá, bị nhắc nhở nhiều lần song vẫn chưa khắc phục. Đặc biệt, khả năng thu hồi nợ quỹ là không, do công ty đang bị cơ quan thuế phong tỏa tài khoản thuế và hóa đơn, hoạt động kinh doanh xăng dầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, không có khả năng kết chuyển toàn bộ hoặc từng phần số tiền còn thiếu vào quỹ trong ngắn hạn.
Công ty Hải Hà thuộc trường hợp xem xét thu hồi giấy phép đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, chốt số dư quỹ bình ổn và tiến hành các quy trình nhằm đảm bảo việc thu hồi đầy đủ số tiền mà công ty đang nợ quỹ, để làm căn cứ thu hồi giấy phép làm thương nhân đầu mối xăng dầu của doanh nghiệp này.
Trong khi đó, Công ty Thiên Minh Đức báo cáo rằng đã thực hiện kết chuyển đầy đủ quỹ bình ổn vào các tài khoản là 466,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua xác minh từ ngân hàng cho hay số dư tại hai tài khoản mà công ty này đăng ký mở quỹ bình ổn xăng dầu lại chỉ còn hơn 66,721 tỉ đồng.
Cũng theo báo cáo gần nhất về số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu tháng 11-2023 của hai doanh nghiệp này gửi về Bộ Công Thương, Công ty Hải Hà có số dư quỹ bình ổn là hơn 612,7 tỉ đồng và Công ty Thiên Minh Đức là hơn 466,7 tỉ đồng. Do vậy, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng các quy định trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trong khi hai bộ chưa thống nhất việc rà soát, xử lý về quỹ bình ổn, kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt vi phạm của các doanh nghiệp này và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Thanh tra cũng xác định cơ quan quản lý quỹ bình ổn giá còn "đùn đẩy trách nhiệm", thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ trong việc quản lý quỹ bình ổn giá, kiểm tra, giám sát, nên việc quản lý quỹ chưa đảm bảo chặt chẽ...
Vì vậy, cơ quan thanh tra đã đề nghị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp trong quản lý quỹ bình ổn, kiểm tra và giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định, không để thương nhân chiếm dụng và sử dụng sai mục đích. Bộ Tài chính chủ trì để thu hồi số tiền đã trích, sử dụng sai và điều chỉnh giảm trên quỹ bình ổn, tổ chức thanh tra với các thương nhân đầu mối...
Việc Bộ Công Thương quản lý lỏng lẻo khiến một số thương nhân kinh doanh xăng dầu chiếm dụng và sử dụng sai mục đích quỹ bình ổn, chi tiêu cá nhân.