Chiều 11-1, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của Đảng bộ TP.HCM năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Tham dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương và cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp.
Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, năm 2023 Ban Thường vụ Thành ủy TP đã kịp thời ban hành chương trình, kế hoạch, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy định, hướng dẫn mới của trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Trên cơ sở đó, các cấp ủy đã chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, dứt điểm, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong các vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn.
Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy đã kiểm tra đối với 1.819 tổ chức Đảng (giảm 81 tổ chức Đảng so với năm 2022) và 3.686 đảng viên (tăng 1.234 đảng viên so với năm 2022); giám sát đối với 1.761 tổ chức Đảng (tăng 51 tổ chức Đảng so với năm 2022) và 3.915 đảng viên (tăng 1.463 đảng viên so với năm 2022).
Thi hành kỷ luật đối với 14 tổ chức Đảng, giảm 2 tổ chức Đảng so với năm 2022 và thi hành kỷ luật đối với 302 đảng viên, tăng 5 đảng viên so với năm 2022.
Phát biểu bế mạc, ông Dương Ngọc Hải - chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM - cho biết được sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo các cơ quan trung ương, trong đó có Ủy ban Kiểm tra Trung ương, công tác kiểm tra giám sát kỷ luật của Đảng bộ TP đã góp phần tích cực vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, giữ kỷ luật, kỷ cương của Đảng, thúc đẩy kinh tế xã hội.
Trong đó nổi bật với việc xem xét xử lý nghiêm minh, đồng bộ kể cả về kỷ luật Đảng, kỷ luật chính quyền và xử lý pháp luật đối với tập thể cá nhân có vi phạm, đặc biệt là các tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan tới các vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn.
Tuy nhiên, ông Hải cũng nhìn nhận việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp ủy hiện còn nhiều hạn chế.
Dù số liệu kiểm tra nhiều, tăng hơn năm ngoái nhưng chủ yếu chỉ kiểm tra theo thông tin mà các cơ quan tố tụng cung cấp để xem xét xử lý kỷ luật đảng viên.
“Có thể thấy việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm thông qua nguồn tin nắm ở địa bàn hay qua giải quyết đơn tố cáo, dư luận, báo chí còn hạn chế.
Đây là vấn đề cần lưu ý để cần giải pháp tăng cường giám sát thường xuyên, đặc biệt là thông qua đơn thư khiếu nại, tố cáo, qua truyền thông, báo chí”, ông Hải chỉ rõ.
Theo ông Hải, thông qua việc xem xét thi hành kỷ luật đặc biệt là đảng viên vi phạm pháp luật có nhiều nguyên nhân chủ quan.
“Tòa án có thể xử lý tội tham ô, hối lộ, vi phạm về quản lý đất đai nhưng chung quy lại thông qua kiểm tra, thi hành kỷ luật chúng tôi thấy rằng người đứng đầu chưa thực hiện vai trò nêu gương, không thực hiện hoặc thực hiện không hết chức trách nhiệm vụ được giao, vi phạm quy tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, quy tắc tập trung dân chủ… Đây là các nguyên nhân chủ yếu mà các đảng viên vi phạm”, ông Hải nói.
Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP đề nghị các người đứng đầu cấp ủy đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tự kiểm tra, tự soi, tự sửa kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót. vi phạm, Có nhiều trường hợp do không tự thường xuyên kiểm tra, vi phạm nhỏ thành to, vi phạm thành tội phạm.
Cán bộ năng động, sáng tạo không tiêu cực, vụ lợi sẽ được bảo vệ
Nói về việc thực hiện kết luận số 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, ông Hải cho rằng hiện còn nhiều ý kiến, nhưng theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy việc thực hiện sẽ theo 2 góc độ.
Thứ nhất, khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, vì lợi ích chung, với các trường hợp đột phá, đổi mới mà pháp luật chưa quy định hoặc lạc hậu thì cần mạnh dạn thực hiện. Xây dựng đề án, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.
Khi cơ quan có thẩm quyền đồng ý thì triển khai thực hiện. Khi có rủi trong điều kiện không có tiêu cực và vụ lợi thì cơ quan có thẩm quyền sẽ bảo vệ.
Ông Hải cho biết, hiện quy định 69 về xử lý kỷ luật đảng có quy định loại trừ những trường hợp thực hiện kết luận số 14.
Ngược lại với các trường hợp thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh… phải làm rõ, chấn chỉnh, xử lý. Thực tế, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng đã kiểm tra các trường hợp này và tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ngoài kỷ luật ra thì xem xét quy định về công tác cán bộ.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, tính từ ngày 1-1 đến 15-12-2023, tổng số cán bộ đảng viên, công chức, viên chức bị kỷ luật là 17.808 người.