Đó là hiện tượng đang diễn ra trong mùa vụ thu hoạch lúa đông xuân, trong đó có ST24 và ST25, tại ĐBSCL. Nhiều doanh nghiệp bức xúc cho biết sẽ không bao giờ hợp tác, bao tiêu lúa với những nông dân không giữ uy tín, ham lợi trước mắt mà phá bỏ cam kết với doanh nghiệp.
Ham lợi trước mắt, hậu quả lâu dài
Ông N.A.L. (xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau) cho biết ông vừa thu hoạch được 4 tấn lúa - tôm giống ST. Cũng như hai năm trước, vụ lúa này ông L. có ký cam kết nhận hỗ trợ đầu tư và bán lúa cho một doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi vừa thu hoạch xong, khi có thương lái đến hỏi mua với giá 10.000 đồng/kg, không chút đắn đo, ông L. bán sạch.
"Năm ngoái, thời điểm tôi thu hoạch lúa đụng mưa nhiều, năn nỉ công ty muốn thụt lưỡi nhưng họ không vào thu mua.
Năm nay lúa thơm đạt chất lượng tốt, trúng mùa nên rất nhiều thương lái hỏi mua. Họ chào giá hấp dẫn. Ai hỏi mua trước, giá cao thì tôi bán, sang năm tính tiếp. Giờ mà để lúa lại đợi công ty mua theo hợp đồng, lỡ giá thấp hơn rồi sao, lấy tiền mặt trước một lần chắc ăn hơn", ông L. phân trần.
Doanh nghiệp của ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25 - đã hợp tác đầu tư, tiêu thụ lúa ST24 và ST25 với số lượng lớn nông dân ở khu vực bán đảo Cà Mau từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, năm nào cũng xảy ra chuyện nông dân bẻ kèo, bán cho thương lái bên ngoài. Tết năm nay, sau khi gạo ST25 lần thứ hai đăng quang gạo ngon nhất thế giới, nhu cầu cao nên tình trạng nông dân bẻ kèo càng khó kiểm soát.
Ông Cua cho biết giá hai loại lúa thơm ST24, ST25 biến động tăng từng ngày. Doanh nghiệp của ông mua vào với giá 11.500 đồng/kg, tăng gần 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi.
"Do không có đầu tư, không ràng buộc các điều kiện nên thương lái sẵn sàng mua cao hơn một vài lai. Một số nông dân ham lời trước mắt đã bán cho thương lái", ông Cua chua xót kể.
Theo ghi nhận, chênh lệch giá giữa thương lái và hợp đồng của doanh nghiệp chỉ từ 500 - 1.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp cho biết khi giá lúa biến động, doanh nghiệp điều chỉnh ngay, đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên nhưng nhiều nông dân đã bẻ kèo.
"Doanh nghiệp thực hiện không đúng hợp đồng, nông dân la làng và đòi quyền lợi. Còn khi nông dân bội tín, chẳng lẽ doanh nghiệp đi kiện nông dân.
Làm vậy coi sao được", ông Cua nói và cho biết sẽ không hợp tác, bao tiêu với những nông dân bẻ kèo, không thực hiện cam kết với doanh nghiệp.
Phải có giải pháp chế tài
Các doanh nghiệp cho biết những thương lái thu mua lúa kiểu phá đám này lâu lâu mới xuất hiện, mua một vài ghe rồi biệt tăm, không quay trở lại nữa.
"Làm ăn kiểu này chẳng khác nào quấy nhiễu thị trường. Cũng cần xử lý vài trường hợp làm gương để lành mạnh hóa thị trường lúa gạo", một doanh nghiệp đề xuất và cho biết vẫn còn nhiều nông dân giữ chữ tín.
Do vậy, các doanh nghiệp vẫn có gạo ngon để cung ứng cho các đầu mối như đã cam kết trước đó.
Ông Phan Trường An (Công ty CP Gạo Ông Thọ) cho biết có xây dựng vùng nguyên liệu ở xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau) với diện tích 60ha, dự kiến thu 300 - 400 tấn lúa. Tuy nhiên, dù đã cố gắng công ty cũng chỉ thu được 52 tấn.
"Mặc dù chúng tôi đặt cọc với hợp tác xã (HTX) và làm hợp đồng hẳn hoi, nhưng năm nay công ty coi như mất trắng ở Cà Mau. Khi liên lạc với HTX, họ nói bó tay rồi, chúng tôi cũng chịu thua", ông An than.
Ông Phạm Thái Bình - chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho hay lúa ST25 đang được thu mua với giá 11.500 đồng/kg, nhưng một số nông dân đã bẻ kèo và chấp nhận bồi thường cho doanh nghiệp để bán cho chỗ khác. Theo ông Bình, việc bẻ kèo tiền đặt cọc mua lúa xảy ra thường xuyên.
"Lúc giá lúa xuống thấp, doanh nghiệp không mua lúa của dân phải bồi thường.
Còn khi doanh nghiệp có liên kết, có đầu tư cho nông dân nhưng nông dân bẻ kèo thì chưa thấy cơ quan nào xử lý. Tôi nghĩ các cơ quan nhà nước ở các địa phương cần có giải pháp xử lý nghiêm để liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chặt chẽ hơn", ông Bình nói.
Ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến lúa ST25 "sốt" như hiện nay là do diện tích trồng lúa ST25 quá ít nên người dân săn lùng tìm loại gạo này để chuẩn bị dịp Tết được ăn ngon. "Do đó, chuyện bẻ kèo lúa ST25 chắc chắn sẽ còn xảy ra.
Rất khó ổn định hay kiểm soát giá lúa ST25 tại thời điểm này", ông Điền nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Thức - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau - cũng đề nghị Nhà nước cần phải nhúng tay sâu hơn.
"Phải tổ chức sản xuất lại, HTX liên kết phải ký cam kết, chính quyền địa phương phải đứng ở giữa, áp chế các "cò" lúa lại để bảo vệ nguồn nguyên liệu. Liên kết phải xem lại về sự bền vững, có chỉ đạo, có giám sát", ông Thức gợi ý.
Làm ăn phải giữ chữ tín
Nông dân Lý Văn Mạnh (huyện Thới Bình, Cà Mau) cho biết năm nay lúa thơm trúng mùa, bán được giá cao. Thương lái tranh mua, chào giá cao hơn công ty nhưng ông không bán.
Theo ông Mạnh, đã cam kết với công ty nên ông chỉ bán cho công ty bởi làm ăn phải giữ chữ tín.
Nhiều hàng xóm của ông đã bán lúa cho thương lái, còn chê ông không biết tính toán thiệt hơn. Ông Mạnh kiến nghị các công ty xem lại hình thức đầu tư, thu mua vì bán cho thương lái rất tiện do họ mua nhanh gọn, ít đợi chờ, có tiền liền.
Phải ký hợp đồng ràng buộc rõ ràng
Ông Nguyễn Ngọc Hiền - phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ - cho biết huyện có 113 cánh đồng lớn với diện tích 17.336ha nhưng vào vụ đông xuân chỉ 10% diện tích lúa được bao tiêu.
Huyện cũng đã phối hợp cùng với TP hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác bao tiêu với nông dân.
Tuy nhiên, lợi ích hai bên không hài hòa nên xảy ra tình trạng bẻ kèo. Nông dân còn chú trọng lợi ích trước mắt, còn doanh nghiệp bao tiêu bán kèm sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật hoặc chậm trả tiền mua lúa.
Doanh nghiệp phải đầu tư giống, phân bón... rồi ký hợp đồng rõ ràng mới ràng buộc được. Còn không thì mối liên kết lỏng lẻo, sẽ còn tình trạng bẻ kèo từ cả hai phía.
Quá nhiều "cò" lúa lôi kéo nông dân
Ông Nguyễn Trần Thức - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau - cho biết tình hình thu mua lúa thơm năm nay rất phức tạp, các bên tranh mua dữ dội, thậm chí vùng nguyên liệu đã ký kết rồi nhưng thương lái đi ngang đẩy giá lên xíu là nông dân bán sạch.
Theo ông Thức, tình trạng "cò" lúa ở các địa phương hiện nay quá nhiều, lôi kéo để hưởng lợi, dẫn đến chuyện nông dân không tuân thủ hợp đồng.
Diện tích lúa ST năm nay Cà Mau giảm gần 50% (khoảng 5.000ha), trong khi nhu cầu tăng nên nhiều người tranh nhau mua, doanh nghiệp không đấu giá lại "cò" lúa nên bỏ cuộc.
Thậm chí có những mô hình lúa hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế được đầu tư cả giống, phân bón nhưng nông dân vẫn đem bán bên ngoài. Một số nông dân đã nhận tiền giống, tiền phân của doanh nghiệp mà vẫn bán lúa cho người khác, doanh nghiệp đòi tiền lại thì chậm trả.
Theo ông Thức, đã có một số doanh nghiệp tuyên bố không làm vùng nguyên liệu nữa mà đợi cuối vụ sẽ đấu giá với "cò".
Điều này vô tình sẽ làm mất chuyện liên kết. Giá lúa năm nay có lợi cho nông dân nhưng đã kéo theo rất nhiều chuyện phá vỡ liên kết. Có doanh nghiệp đã 5 năm triển khai mô hình lúa hữu cơ liên kết với nông dân, nhưng năm nay bị gãy.
Nhu cầu gạo ST25 gần Tết tăng cao, do vậy nhiều thương lái thu mua lúa ST25 cao hơn giá doanh nghiệp ông Cua đầu tư bao tiêu, và nhiều nông dân đã sẵn sàng "bẻ kèo" bán cho họ.