Một số thống kê về nạn lừa đảo qua mạng gần đây cũng đưa ra cảnh báo rằng chính mỗi cá nhân phải tự trang bị "vũ khí" để bảo vệ chính mình trước thế giới số thiên biến vạn hóa. Tuổi Trẻ trao đổi thêm cùng một số chuyên gia về câu chuyện này.
Ai cũng có thể sụp bẫy
* Tình trạng lừa đảo qua mạng hiện nay xảy ra ở VN như một số khảo sát là rất lớn, trong đó có nhắm vào nhóm "đầu tư trực tuyến". Chẳng lẽ đây là "chuyện hiển nhiên"?
- Ông PHILIP HÙNG CAO (chiến lược gia và nhà truyền bá về Zero Trust): Từ khi COVID-19 diễn ra, cuộc sống thay đổi nhiều sinh hoạt theo hướng "online", tạo ra thói quen, cuộc sống mới đến mức như cuộc sống thường nhật của rất nhiều người.
Từ đó, thay vì mang tiền ra ngoài đầu tư và tương tác trực tiếp với người khác như trước thì giờ nhiều người ngồi ở nhà mở tài khoản trực tuyến để làm ăn. Đó là lý do đầu tư trực tuyến nở rộ.
Hơn nữa, sau COVID-19, ai cũng có thể muốn kiếm thêm khi cuộc sống có phần khó khăn hơn, song song với việc thị trường đang chưa thực sự hồi phục.
Tâm lý ít công sức, thời gian ngắn nhưng nhanh có tiền đã cuốn nhiều người trở thành con mồi của lừa đảo.
Như một số chuyên gia đã nói, lừa đảo có giáo trình ứng dụng công nghệ, có điều tra nắm bắt tâm lý, có thiết kế kịch bản hết sức chuyên nghiệp nên bất cứ ai cũng có thể sụp bẫy.
* Các hình thức lừa đảo qua mạng mà người Việt hay mắc phải và lỗ hổng của việc này, bắt nguồn từ đầu mối nào, thưa ông?
- Hiện nay có rất nhiều hình thức lừa đảo qua mạng.
Như Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây có thống kê có ba nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng VN, nhắm vào các nhóm đối tượng người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.
Trong đó có ba hình thức khá phổ biến: lừa đảo làm cộng tác viên, đầu tư tài chính và tình cảm.
Mỗi người phải tự thay đổi từ tư duy đến hành động
* Thưa ông, làm sao để không bị lừa hoặc có cách nào để chấm dứt tình trạng lừa đảo qua mạng?
- Để không bị lừa hay chấm dứt chuyện bị lừa trên mạng là chuyện rất khó vì nó phụ thuộc cả vào tư duy xử lý của mỗi người và việc áp dụng công nghệ để tự bảo vệ mình.
Mỗi người chúng ta nên xây dựng tư duy khoan tin tưởng những gì thấy trên thế giới số. Chậm lại một chút và đặt những câu hỏi tại sao, "nhảy số" ngay tư duy hoài nghi trước khi click chuột để kiểm chứng.
Nếu không thấy ổn, tham khảo các website của các cơ quan chức năng như của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) để có các thông tin hỗ trợ tìm các dấu nguy của nguy cơ lừa đảo, hoặc qua một số tổ chức xã hội như tổ chức xã hội chống lừa đảo.
Tức là đầu tiên phải tự bảo vệ mình chứ không đợi ai bảo vệ mình. Bên cạnh đó, cần phải đồng thời áp dụng công nghệ. Việc này cũng phải tích cực tìm hiểu và áp dụng.
* Ông có lời khuyên thêm nào cho người dùng mạng xã hội hiện nay?
- Trong khi chờ có sự thay đổi từ giáo dục, tăng trưởng kinh tế thì mỗi người cũng nên xây dựng kỹ năng mềm, học thêm về trí tuệ cảm xúc để có thể điều tiết cảm xúc hiệu quả hơn khi tham gia tương tác trên mạng xã hội và không gian mạng.
Nếu cảm xúc không được rèn giũa, bị lừa là điều hết sức hiển nhiên, vì như đã nói, kịch bản và bối cảnh lừa đảo thường quá đỗi hoàn hảo.
Hạn chế để lộ thông tin cá nhân. Có nhiều người để lộ các thông tin cá nhân trong bằng tốt nghiệp hoặc các bằng cấp khác, căn cước công dân... chỉ vì theo dõi trend (xu hướng) vui nào đó, sau đó sẽ bị giả mạo danh tính và bị sử dụng danh tính giả mạo vào lừa đảo.
Đứng trước những tình huống yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, cần phải thể hiện sự quan tâm đến việc thông tin đó sẽ được lưu trữ, bảo vệ và sử dụng như thế nào. Với việc nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được áp dụng, người dùng cũng nên đặt câu hỏi "tại sao?" để có thái độ phù hợp với thông tin mình sẽ cung cấp.
Cuối cùng cần nâng cao nhận thức và thực hành nghe, hiểu, làm... toàn diện ở cả ba góc độ. Nếu chỉ nghe, hiểu mà không làm, không áp dụng thì việc tự bảo vệ mình hiệu quả sẽ khó mà thực hiện được.
Cần chuyển hóa tư duy, nếu thấy thông tin lạ, link lạ thì không nên vội vàng nhấn vào ngay mà nên chậm lại và đặt câu hỏi kiểm tra đối chiếu, cũng như từng bước biến thói quen này thành phản xạ không điều kiện của bản thân.
Tình hình còn phức tạp hơn nhiều
Theo ông Philip Hùng Cao, việc lừa đảo là xuyên suốt. Với các thống kê và cảnh báo về lừa đảo của Cục An toàn thông tin đưa ra, tình hình thực tế về lừa đảo ở VN sắp đến sẽ có thể diễn biến hết sức phức tạp hơn nhiều.
Những con số bị hại chỉ là bề nổi vì không phải ai cũng trình báo cơ quan chức năng và chỉ 1% trong số đó mới có thể lấy lại được.
Ngay từ tháng 12-2023, Cục An toàn thông tin đã liên tục phát đi các cảnh báo về các hình thức lừa đảo phổ biến dịp cận Tết Nguyên đán. Mọi người nên dành thời gian đọc tham khảo, hiểu và tích cực áp dụng.
Ông Nguyễn Tài Long (giám đốc sản phẩm định danh điện tử, Công ty cổ phần Kalapa):
Lừa đảo vừa có "thâm niên", vừa có "nghề"
Tình trạng lừa đảo hoành hành liên tục tại VN trong những năm vừa rồi là một điều có thể đoán trước.
Lý do thứ nhất là VN nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ trong khi kiến thức cơ bản về bảo mật dữ liệu cá nhân, an toàn an ninh mạng của đại đa số dân chúng chưa thể bắt kịp, tạo nên mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo khai thác.
Lý do thứ hai là lực lượng lừa đảo không mới bắt đầu xuất hiện mà đã hình thành từ rất lâu ở các quốc gia phát triển, khi VN mới gia nhập cuộc chơi thì họ đã có sẵn bài vở và công cụ, nên không có gì lạ khi những đối tượng này dần chuyển mục tiêu sang thị trường của chúng ta.
Chúng không chỉ có đường dây chuyên nghiệp mà còn có khả năng liên tục cập nhật, thay đổi chiêu trò lừa đảo và nghiên cứu kỹ đối tượng nhắm tới khiến nhiều chiêu trò tưởng chừng đã cũ nhưng vẫn tái diễn liên tục.
Ông Vũ Ngọc Sơn (giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS):
Phòng chống lừa đảo là trách nhiệm cả xã hội
VN có tỉ lệ người dùng Internet hằng ngày thuộc tốp đầu thế giới, đặc biệt sau thời gian đại dịch COVID, sự phổ cập của giao dịch online và chuyển tiền online qua Internet banking đã khiến mạng Internet tại VN trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo khai thác.
Các cơ quan quản lý cần kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở không đảm bảo an ninh gây lộ lọt dữ liệu người dùng. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình bán và lưu hành SIM rác, thu hồi các tài khoản ngân hàng rác nhằm hạn chế công cụ của các đối tượng lừa đảo.
Các tổ chức, doanh nghiệp cần rà soát, đầu tư nghiêm túc cho các giải pháp về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm cả biện pháp về quy chế, chính sách đến biện pháp về kỹ thuật.
Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tìm hiểu và cập nhật các thông tin, dấu hiệu nhận diện lừa đảo, nâng cao năng lực và kỹ năng an toàn khi tham gia Internet.
Ông Yeo Siang Tiong (tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hãng bảo mật Kaspersky):
Giáo dục là hình thức phòng thủ mạnh mẽ nhất
Trong lĩnh vực an ninh mạng, giáo dục là hình thức phòng thủ mạnh mẽ nhất. Chúng ta càng tự trang bị kiến thức và chuẩn bị kỹ càng thì khả năng giảm thiểu rủi ro đối với dữ liệu cá nhân và tiền bạc càng cao.
Tôi cho rằng chúng ta nên bắt đầu từ những việc nhỏ cho đến khi nó trở thành thói quen. Một vài thay đổi đơn giản lúc đầu sẽ giúp ích rất nhiều trong việc bảo vệ bản thân và dữ liệu cá nhân.
Hãy kiên trì và quan trọng hơn hết là tìm sự giúp đỡ. Có rất nhiều tài nguyên, công cụ và những người bạn có thể tin cậy để được hỗ trợ nhằm giúp bạn giữ vững quyết tâm của mình.
Cảnh báo lừa đảo "lấy lại tiền cho nạn nhân"
Mất cảnh giác trên môi trường mạng, tin tưởng lời đường mật của những kẻ xa lạ, chưa từng gặp mặt trực tiếp đã khiến nhiều người bị sập bẫy, bị "cuốn trôi" số tiền lớn không chỉ một lần mà là nhiều lần dẫn đến bị khủng hoảng tinh thần. Dưới đây là các trò lừa đảo khá "mới mẻ".
Đóng nhiều thứ phí để vay tiền "ngân hàng"
Vào cuối năm 2023, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với năm đối tượng có tuổi từ 18 - 22 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua không gian mạng.
Cụ thể, nhóm người này đã mua hàng ngàn tài khoản Zalo và Facebook "ảo", giả danh nhân viên ngân hàng, đăng bài trên nhiều hội nhóm, quảng cáo về việc cho vay với thủ tục nhanh gọn và lãi suất thấp.
Sau khi con mồi cắn câu, đồng ý vay, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu nộp nhiều loại phí (phí làm hồ sơ, phí xin dấu nhanh, phí bảo hiểm)... Đến lúc con mồi bị mất tiền, nhận ra đã bị lừa, nhóm lừa đảo cũng "bốc hơi" bằng cách cắt đứt liên lạc.
Tưởng được giúp, ai ngờ "dính chấu" lần hai
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian gần đây trên mạng xã hội Facebook liên tục xuất hiện các nhóm... hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo.
Các thành viên trong nhóm công khai đăng quảng cáo cam kết và khẳng định sẽ hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo chuyển khoản cho những nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt. Họ mạo danh là luật sư, kiểm sát viên hay nhân viên bộ phận tài vụ của một ngân hàng lớn...
Sau khi thuyết phục và lấy lòng tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán các khoản tiền dưới dạng phí hệ thống, phí pháp lý hoặc bất kỳ chi phí phát sinh nào khác.
Ngoài việc chiếm đoạt tiền, những kẻ lừa đảo còn thu thập được nhiều thông tin cá nhân của nạn nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo tiếp theo.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số.
Các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn.
Do đó, người dân nên kiểm tra và xác minh thông tin của người nhận trước khi thực hiện bất cứ giao dịch chuyển tiền nào trên mạng. Đặc biệt không chuyển tiền dựa trên các yêu cầu đột xuất, không xác định hoặc không rõ ràng.
Các nước cũng "đau đầu" với lừa đảo qua mạng
Ngày 5-1, Bộ Công an Trung Quốc thông tin đã triệt phá được 391.000 vụ lừa đảo qua mạng từ tháng 1 đến tháng 11 của năm 2023.
Tổng cộng có 79.000 nghi phạm bị bắt giữ, trong đó có 263 cá nhân tài trợ, đứng đầu hoặc phụ trách các hoạt động lừa đảo.
Bộ Công an Trung Quốc đã cử các nhóm công tác đến các nước trong khu vực như
Thái Lan, Philippines và Campuchia để phối hợp hoạt động, từ đó triệt phá nhiều ổ tội phạm có liên quan đến công dân Trung Quốc ở nước ngoài và bắt giữ hơn 3.000 nghi phạm.
Riêng điểm nóng lừa đảo của năm qua nằm ở miền bắc Myanmar, 41.000 nghi phạm lừa đảo trực tuyến và viễn thông đã được đưa sang Trung Quốc.
Ở châu Âu, nơi các nền tảng mạng xã hội phát triển đa dạng hơn, việc chống lừa đảo qua mạng cũng gắn liền với mạng xã hội.
Vào ngày 30-11-2023, 11 công ty công nghệ lớn nhất thế giới, trong đó có Amazon, Google (Alphabet), Google và Microsoft, đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Anh để tăng cường giải quyết lừa đảo trực tuyến. Chính phủ Anh cho biết lừa đảo chiếm khoảng 40% tổng số tội phạm ở Anh và Xứ Wales.
"Lừa đảo là tội phạm phổ biến nhất ở Anh. Những kẻ lừa đảo trực tuyến nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội" - Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh Rishi Sunak, và bằng cách hợp tác với những gã khổng lồ công nghệ, các quốc gia tin rằng đây sẽ là biện pháp tiếp tục trấn áp những kẻ lừa đảo, đảm bảo rằng chúng không có nơi nào để ẩn náu trên mạng.
Theo thỏa thuận, các công ty Internet cam kết sẽ ngăn chặn và xóa nội dung lừa đảo khỏi nền tảng và trang web của họ.
Các biện pháp bao gồm vạch ra lộ trình đơn giản và nhanh chóng để báo cáo nội dung lừa đảo cũng như hợp tác chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật trong nỗ lực nhắm vào những kẻ lừa đảo.
Các công ty cũng cam kết tăng cường mức độ xác minh danh tính nhằm chống kẻ mạo danh trên các dịch vụ hẹn hò trực tuyến.
'Như ngành công nghiệp, lừa đảo qua mạng có tỉ suất lợi nhuận 2.500%/năm. Dự đoán năm 2024 tỉ suất lợi nhuận càng tăng. Chắc không có ngành nào lãi suất cao như vậy', ông Philip Hùng Cao, chiến lược gia và nhà truyền bá về Zero Trust, thông tin.