Trong rất nhiều ý kiến gửi đến Tuổi Trẻ Online, các phụ huynh tỏ ra ngạc nhiên về việc con em mình đến trường, đi học, làm bài kiểm tra đánh giá cuối kỳ, cuối năm học nhưng không bao giờ được mang đề thi về nhà.
Phụ huynh tên Luận ý kiến: "Con tôi đang học lớp 8 ở Trường THCS G. ở quận Tân Bình. Suốt mấy năm qua, hễ kiểm tra giữa kỳ, cuối học kỳ xong là giám thị thu lại hết đề thi (tất cả các môn đều vậy). Tôi rất mong các thầy cô đừng thu lại đề sau buổi thi nữa. Bởi vì học sinh mang đề thi về nhà có cái lợi là phụ huynh có thể biết được con em mình làm được bao nhiêu % và đó cũng là cơ sở để phụ huynh nắm được việc học của con em mình".
Phụ huynh khác tên Duy Anh cũng cho biết từ năm lớp 6 đến lớp 9 không có lần nào con được mang đề thi về. Vì thế, phụ huynh mong muốn các giáo viên cho học sinh được mang đề về cho cha mẹ xem.
Ông Trần Quang Hữu Vinh nêu nguyện vọng: "Sau khi học sinh kiểm tra, thi xong là được quyền mang đề thi về nhà cho cha mẹ xem. Đó là nguyện vọng chính đáng. Rất mong các vị hiệu trưởng lưu ý và chỉ đạo chỉnh đốn lại".
Một người mẹ khác cũng nhắn gửi: "Học sinh có thi cử xin đừng thu lại đề thi. Để học sinh mang về cho cha mẹ ở nhà xem theo dõi việc học con em mình thầy cô ơi".
Không ít phụ huynh cho rằng việc phụ huynh không được tiếp cận đề thi của con em mình, thi, kiểm tra xong giáo viên thu lại đề thi là… hành động "bất thường".
Phụ huynh tên Định đặt câu hỏi: "Học sinh thi xong là có quyền mang đề thi về nhà để phụ huynh biết được việc học của con em mình. Hà cớ gì học sinh thi xong mà thu đề lại?".
Phụ huynh tên Lệ Hằng bình luận rằng thi hoặc kiểm tra xong mà giáo viên không dám cho học sinh mang đề về là điều dở của ngành giáo dục.
Trước đó, theo tiết lộ của một giáo viên Ngữ văn với Tuổi Trẻ Online, việc cho học sinh kiểm tra xong, giáo viên thu lại đề là hành động có chủ ý của người giáo viên vì họ rất lo lắng bị dư luận "ném đá", bị "soi" nếu đề thi đến tay phụ huynh trong bối cảnh kiểm tra đánh giá theo chương trình 2018 và công văn 3175 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt buộc phải dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Phân tích với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia về kiểm tra đánh giá của một trường đại học đào tạo ngành sư phạm cho rằng việc phụ huynh và xã hội được tiếp cận đề kiểm tra, đề thi cũng là nội dung cần thiết để chương trình phổ thông 2018 đạt được mục tiêu và đúng định hướng công khai, minh bạch về chất lượng.
Ngữ liệu ngoài SGK trong đề thi là một thách thức lớn
Năm tới thi tốt nghiệp, ngữ liệu cho đề thi phải nằm ngoài sách giáo khoa quả là một thách thức lớn. Một truyện ngắn, một bài thơ mới chỉ tiếp xúc trong 120 phút thì khó hiểu tường tận lắm. Ngay cả bản thân tôi, gần 40 năm dạy học môn văn (nay đã nghỉ hưu), khi đọc một truyện ngắn, một bài thơ phải ngồi nghĩ lâu mới hiểu phần nào...
(Lê Đức Đồng - cựu giáo viên Ngữ văn)
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định "một vài sự cố không có nghĩa là quy định về yêu cầu chọn ngữ liệu đề thi văn trong công văn 3175 là máy móc".