Từ trước đến nay giá vàng luôn đi theo tiếng đạn bom. Chiến tranh luôn là cơ hội cho giá vàng tăng vì vàng được coi là công cụ phòng vệ rủi ro. Do vậy sau thông tin Mỹ, Anh tấn công Yemen, giá vàng thế giới đã tăng 20 USD/ounce (tương đương 598.000 đồng/lượng).
Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 60,58 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá bán vàng miếng trưa nay ở mức 75,5 triệu đồng/lượng, mua vào 73 triệu đồng/lượng. So với giá đóng cửa chiều 11-1, giá vàng miếng SJC tăng khoảng 200.000 đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng bán vàng SJC ở mức giá 75,5 triệu đồng/lượng, tuy nhiên giá mua vào cao hơn, lên tới 73,4 triệu đồng/lượng, cao hơn 400.000 đồng so với Công ty SJC.
Đáng chú ý là chênh lệch giá mua - bán vàng miếng SJC tại các công ty vàng vẫn ở mức rất cao, từ 2,1 - 2,5 triệu đồng/lượng, gấp khoảng 5-6 lần so với ngày bình thường. Mức chênh này đã tồn tại từ đợt sốt giá vàng cuối năm 2023 và đến nay vẫn chưa hạ nhiệt.
Đây là dấu hiệu cho thấy giá vàng đang ở trong giai đoạn tăng nóng và "nhà vàng" phòng ngừa rủi ro để tránh bị thua lỗ khi giá vàng bất ngờ đảo chiều.
Với động thái "đề phòng" này từ phía các công ty vàng, người bán bị thiệt thòi khi phải "mua cao - bán thấp" và chỉ có thể bán hòa vốn nếu giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh đưa giá mua vào lên ngang ngửa giá bán ra hôm nay.
Theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng 9999 tại Công ty SJC bán ra trưa nay cũng tăng thêm 250.000 đồng/lượng so với hôm qua, bán ra 63,3 triệu đồng/lượng, mua vào 62,1 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 14,92 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng 9999 cao hơn 2,72 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng một mà trong nước tăng ba là không chấp nhận được. Nguồn vốn đưa vào nền kinh tế năm 2024 sẽ phải mạnh hơn và quyết liệt hơn.