Tại hội nghị cung cấp thông tin báo chí do Bảo hiểm xã hội TP.HCM tổ chức ngày 11.1, PV Thanh Niên đặt câu hỏi: Theo đề xuất của Bệnh viện Chợ Rẫy với Đoàn ĐBQH TP.HCM, khi bệnh viện chưa đấu thầu mua được thuốc, vật tư thì bệnh nhân bảo hiểm y tế tự mua bên ngoài. Do đó, đề nghị có cơ chế thanh toán lại tiền thuốc, vật tư cho bệnh nhân tự mua. Quan điểm của Bảo hiểm xã hội TP.HCM như thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho rằng việc cung cấp thuốc, vật tư y tế là trách nhiệm của bệnh viện chứ không phải của bệnh nhân bảo hiểm y tế. Vì khi người bệnh tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh. Nếu bệnh viện không có thuốc và bảo bệnh nhân đi kiếm thuốc là khó và không nên. Có những bệnh nhân không có tiền và thậm chí ra ngoài mua nhầm thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng, không đúng hàm lượng thì việc điều trị bệnh bị ảnh hưởng sức khỏe.
"Các bệnh viện nên tự liên hệ với nhau để tìm nguồn thuốc đã có kết quả trúng thầu theo quy định và đề nghị các bệnh viện có nguồn thuốc nhượng lại cho bệnh viện thiếu thuốc. Bộ Y tế nên có hướng dẫn vấn đề này", ông Trần Dũng Hà nêu quan điểm.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP.HCM, đến năm 2023, TP.HCM có hơn 8,72 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (độ bao phủ 92,25%), tăng hơn 2% so với thời điểm 31.12.2022.
Trong năm 2023, TP.HCM có hơn 20,5 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 18,7% so với năm 2022 và quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả 22.805 tỉ đồng. Lý giải về số lượt khám chữa bệnh tăng và quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tăng theo, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM thì đây là điều đã được dự báo trước.
Cũng trong năm 2023 tại TP.HCM đã có 5,8 triệu lượt người dùng CCCD gắn chíp để khám chữa bệnh.
Mục tiêu năm 2024 của Bảo hiểm xã hội TP.HCM là số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 8,75 triệu người, tỷ lệ bao phủ đạt 93,5%.
Cùng với đó, dự báo số lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt 23 triệu lượt, tăng 10,6%. Điều này kéo theo dự kiến chi từ quỹ là 24.974 tỉ đồng, tăng 10% so với 2023.