Chiều nay (12/1), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) yết giá mua vào 73,5 triệu đồng, bán ra 76 triệu đồng một lượng, tăng thêm 800.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Như vậy trong hai ngày, SJC nâng giá chiều mua vào 2,3 triệu đồng một lượng và tăng 1,8 triệu đồng ở chiều bán ra.
Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, vàng miếng cũng lên 73,45 - 75,95 triệu đồng một lượng.
Đây là mức giá cao nhất của vàng miếng SJC từ đầu năm. Còn so với mức đỉnh thiết lập vào 26/12/2023, mỗi lượng vàng miếng thấp hơn 5,5-6 triệu đồng.
Hôm nay, vàng nhẫn và nữ trang cũng đi lên nhưng biến động ít hơn. Mỗi lượng vàng nhẫn SJC tăng 200.000 đồng lên 62,2 - 63,2 triệu đồng. Còn vàng trang sức 99,99% lên 62,2 - 63,3 triệu. Tại DOJI, vàng nhẫn tròn Hưng Thịnh Vượng lên 62,85 - 63,75 triệu còn vàng nữ trang lên 62,45 - 63,5 triệu đồng.
Giá vàng thế giới ở mức 2.049 USD một ounce, nếu quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 60,85 triệu đồng một lượng, thấp hơn 15,2 triệu đồng so với giá vàng miếng và khoảng 2,3 triệu đồng so với vàng nhẫn trong nước.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 02, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng - đơn vị có nhiệm vụ giám sát việc gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu.
Quy định về Tổ giám sát này đã có từ 2012, nhưng hơn chục năm qua Ngân hàng Nhà nước không sản xuất thêm vàng miếng. Với lần sửa đổi này, Ngân hàng Nhà nước thêm thẩm quyền cho Vụ kiểm toán nội bộ tham gia vào Tổ giám sát này.
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng ngày 3/1, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định không để giá vàng miếng chêch lệch lớn với thế giới và sẽ xem xét sửa Nghị định 24 quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Bên cạnh đó, nhà điều hành cho biết sẽ đánh giá lại vai trò của SJC trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Quỳnh Trang