Như Thanh Niên đã thông tin, Tập đoàn CT Group vừa gửi Chính phủ văn bản đề xuất thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Bên cạnh những thông tin về hướng tuyến, quy hoạch các nhà ga tương tự phương án đã được liên danh tư vấn TEDI SOUTH - TRICC - TEDI báo cáo Bộ GTVT, phía CT Group dự kiến sẽ liên danh với Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc, Tập đoàn Xây dựng điện Trung Quốc; đồng thời đang nghiên cứu thỏa thuận để nhận gói hỗ trợ tài chính cho dự án từ các tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc để đảm bảo nguồn tài chính cho dự án. Trong tổng mức đầu tư dự kiến 9,98 tỉ USD (hơn 242.000 tỉ đồng), liên danh góp vốn tỷ lệ 85%, nhà nước khoảng 15%.
"Vị trí địa lý ĐBSCL khá đặc biệt, là một trong những đồng bằng có giá trị nhất thế giới, mưa thuận, gió hòa, đất đai màu mỡ, tuy nhiên người dân miền Tây vẫn bỏ xứ đi làm ở nơi khác. Những tiềm năng to lớn từ ĐBSCL còn quá nhiều dư địa phát triển về mặt giao thông, dư địa phát triển về mặt kinh tế, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, vì chúng ta không đủ sức để cùng làm một lúc, nên cần có sự ưu tiên. Tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ mang lại đột phá và sự phát triển cho khu vực miền Tây, mang tính chất lột xác cho miền Tây", lãnh đạo CT Group kỳ vọng.
Việc doanh nghiệp đảm bảo góp vốn tới 85% tổng vốn đầu tư đã mở ra cơ hội rất lớn đưa "giấc mơ" đường sắt cao tốc của bà con vùng ĐBSCL thành hiện thực; bởi trước đó lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận nguồn vốn là một trong những thách thức lớn nhất của dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ nói riêng cũng như việc hoàn thiện hạ tầng khu vực ĐBSCL nói chung.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho biết: "Các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc rất chú trọng phát triển đường sắt cao tốc, loại hình vận tải này có khả năng cạnh tranh được với hàng không và đường bộ. Từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ mất 75 - 80 phút, đây sẽ là điều kiện rất tốt để thông thương, thúc đẩy kinh tế, giao lưu văn hóa liên vùng. Đồng thời, khối lượng vận tải lớn sẽ tiết giảm đáng kể tình trạng kẹt xe, quá tải đường bộ, giảm khí thải, giảm ô nhiễm môi trường".
Cơ hội đã đến !
Bày tỏ sự kỳ vọng vào tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, bạn đọc Hung Nguyen Van cho biết: "Để thực hiện bất kỳ dự án nào, ai cũng biết khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Giờ có DN đảm bảo góp vốn tới 85% tổng vốn đầu tư, cơ hội đã đến rồi, thật đáng kỳ vọng. Rất mong Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, cân nhắc, nếu thực hiện được thì rất tốt. Tôi mong tuyến đường này sớm trở thành hiện thực và tin rằng nó sẽ góp phần không nhỏ cho việc đột phá kinh tế toàn vùng ĐBSCL".
Cùng quan điểm, BĐ Tien Minh nói thêm: "Trong các loại phương tiện giao thông, tôi thích đi xe lửa hơn cả. Đi máy bay thì thời gian chờ ở sân bay lâu quá, đến nơi còn phải tốn tiền đi taxi mới vô thành phố được. Đi xe đò thì bị say xe. Vì vậy tôi thích đi xe lửa hơn. Nếu được đi đường sắt tốc độ cao thì quá tuyệt. Hơn nữa, khung cảnh ĐBSCL rất đẹp, ngồi xe lửa ngắm cảnh vựa lúa của cả nước, miền sông nước hữu tình thì còn gì bằng. Mong tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ sớm được thực hiện".
"Dịp lễ nào mà đường về miền Tây Nam bộ không kẹt xe vì quá tải? Cuối tuần cũng nhiều khi kẹt xe. Nên việc có thêm tuyến đường sắt cao tốc Cần Thơ - TP.HCM là quá đúng. Đường bộ, đường hàng không và đường sắt tốc độ cao cùng cạnh tranh thì chất lượng phục vụ sẽ được nâng cao, người đi lại có lợi nhất", BĐ Hoàng ý kiến.
Cần nỗ lực hơn nữa
Mấy năm qua, ngành đường sắt đã có nhiều nỗ lực và năm 2023 vừa qua đã thoát lỗ sau 3 năm lỗ liên tiếp. Doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 8.503 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỉ đồng. Người lao động trong ngành có thu nhập trung bình 9,5 triệu đồng/tháng, đạt 105% so với cùng kỳ. Ngành đường sắt trong năm vừa qua đã làm được mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, khai trương tàu liên vận quốc tế tại ga Kép (Bắc Giang)... Năm 2024, ngành đường sắt đặt mục tiêu cơ cấu lại nguồn lực, nguồn vốn, nhân lực, để chuẩn bị khai thác đường sắt quốc gia mới và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…
Nói về những thông tin đáng phấn khởi trên, BĐ Hồng Hải nhận xét: "Gần đây tôi có đi tàu, thấy chất lượng dịch vụ tốt hơn trước nhiều, nhân viên cũng niềm nở, thân thiện hơn. Tuy nhiên, ngành đường sắt cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc sớm có đường sắt tốc độ cao, hiện đại hóa ngành mình… để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đường sắt có thế mạnh riêng của mình, đừng để bị tụt lại".
BĐ Quang Nguyên cũng góp ý: "Năm 2024 ngành đường sắt cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng cho các chuyến tàu tốt hơn nữa".