* Đài Loan bầu lãnh đạo mới: Hai ứng viên có quan điểm trái ngược về quan hệ với Trung Quốc
* Nhà Trắng tuyên bố Mỹ không muốn chiến tranh với Yemen
* Anh công bố gói viện trợ "chưa từng thấy" cho Ukraine
Tổng thống Mỹ đánh tiếp, Houthi vẫn phóng tên lửa
Ngày 13-1, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington sẽ tiếp tục tấn công nếu phiến quân Houthi ở Yemen còn tấn công các tàu thuyền ở Biển Đỏ. "Chúng tôi đảm bảo sẽ đáp trả nếu Houthi tiếp tục hành vi thái quá này cùng với các đồng minh của chúng tôi", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Biden nói trong chuyến đi vận động tranh cử ở Pennsylvania, trong đó ông gọi Houthi là nhóm "khủng bố".
Trước đó, Nhà Trắng cũng tuyên bố Mỹ không muốn chiến tranh với Yemen, nhưng sẽ không ngần ngại hành động thêm để đáp trả các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ.
Mỹ và đồng minh Anh đã nã tên lửa vào 30 điểm khắp Yemen từ đêm 11-1, để phản ứng việc Houthi liên tục tấn công tàu ở Biển Đỏ kể từ tháng 10-2023 nhằm ủng hộ người Palestine trong cuộc xung đột Israel-Hamas.
Giám đốc Bộ Tham mưu liên quân, Trung tướng Douglas Sims, cho biết lực lượng Houthi ở Yemen đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm trong ngày 12-1 để trả đũa các cuộc tấn công trong đêm của Mỹ và Anh nhằm vào lực lượng này. Tên lửa không bắn trúng tàu nào nhưng Tướng Sims của Mỹ cho biết Houthi sẽ tiếp tục trả đũa.
"Chúng tôi đã làm suy giảm khả năng của họ. Tôi không tin rằng họ có thể hành xử giống như trước, nhưng hãy chờ xem", ông Sims nói.
* Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lo ngại bất ổn ở Biển Đỏ. Ngày 12-1, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi "tất cả các bên liên quan không làm tình hình leo thang hơn nữa vì hòa bình và ổn định ở Biển Đỏ và trong khu vực".
Cùng ngày, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về hậu quả của các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng kêu gọi Anh giảm căng thẳng.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc chỉ trích cuộc tấn công của Mỹ, Anh là "cuộc xâm lược vũ trang trắng trợn chống lại một quốc gia khác". Đáp lại, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc khẳng định cuộc tấn công phù hợp với luật pháp quốc tế.
* Giá dầu cũng nóng. Ngay sau khi Mỹ và Anh tấn công lực lượng Houthi ở Yemen để đáp trả các vụ tấn công tàu bè trên Biển Đỏ, giá dầu đã tăng vọt 4% trong ngày 12-1, trước khi trở về dưới ngưỡng 80 USD/thùng.
Theo Hãng tin AFP, giá dầu Brent hiện ở mức 78,64 USD/thùng, trong khi giá West Texas Intermediate có giá 73,17 USD/thùng.
"Nỗi lo ngại trên thị trường dầu mỏ là tình hình khu vực này đang leo thang khó lường, mà đến một lúc nào đó nguồn cung cấp dầu thực sự sẽ bị mất", ông Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa trưởng tại Ngân hàng SEB, nhận định.
* Tàu chở dầu né Biển Đỏ, giá vận tải tăng. Các dữ liệu cho thấy số tàu chở dầu chuyển hướng khỏi Biển Đỏ tăng trong ngày 12-1 sau khi Mỹ, Anh đánh Houthi. Trong khi đó, phí vận chuyển của các tuyến đường quan trọng của giao thương toàn cầu tiếp tục tăng trong tuần này.
Theo Reuters, giá cước của tuyến Thượng Hải - châu Âu đã tăng 8,1% lên 3.103 USD/container 6m, trong khi giá cước đối với các container đến bờ tây Mỹ đã tăng 43,2% lên 3.974 USD/container 12m.
Hôm nay Đài Loan bầu lãnh đạo mới
Hàng triệu người Đài Loan đi bỏ phiếu trong ngày 13-1, trong cuộc bỏ phiếu sẽ quyết định mối quan hệ giữa hòn đảo và Trung Quốc đại lục trong thời gian tới.
Phó lãnh đạo đương nhiệm Lại Thanh Đức, ứng viên dẫn đầu hiện nay nhưng bị Trung Quốc chỉ trích, kêu gọi cử tri đưa ra "lựa chọn đúng đắn" nếu họ muốn tránh chiến tranh. Trong khi đó, ứng viên Hầu Hữu Nghi của phe đối lập Quốc Dân Đảng (KMT) ủng hộ tăng cường quan hệ với Trung Quốc .
Kết quả sẽ được theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ, đối tác quân sự chính của Đài Loan, đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược. Trước bầu cử, Trung Quốc đã cảnh báo cứng rắn sẽ đập tan mọi nỗ lực đòi "độc lập" cho Đài Loan.
* Ông Biden trách bộ trưởng Quốc phòng nhưng không cách chức. Tổng thống Mỹ nói Bộ trưởng Lloyd Austin đã sai khi không báo cáo sớm việc nhập viện điều trị ung thư, nhưng cho rằng ông nên tiếp tục làm việc. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định vẫn tin tưởng ông Austin.
Nhà Trắng cho biết ông Austin đang xử lý việc đối phó với Houthi trên giường bệnh, trong khi Lầu Năm Góc nói chưa rõ khi nào ông sẽ xuất viện.
* Thủ tướng Anh thăm Kiev, công bố gói viện trợ "chưa từng thấy" cho Ukraine. Ngày 12-1, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết nước này sẽ hỗ trợ quân sự 3,2 tỉ USD cho Ukraine trong năm 2024 và cam kết hợp tác an ninh với Kiev trong 10 năm tới.
Khoản viện trợ này bao gồm nhiều loại vũ khí và đạn dược đang bị thiếu hụt ở Ukraine, chẳng hạn như đạn pháo, máy bay không người lái (drone), vũ khí chống tăng, tên lửa tầm xa. London cũng sẽ giúp Kiev đào tạo binh lính và sản xuất thêm drone.
Ông Sunak cho biết chuyến thăm của ông và gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay sẽ gửi thông điệp đến Nga và cả các nước như Triều Tiên, Iran.
Sau gần 2 năm, cuộc xung đột Nga-Ukraine đang đứng trước thời điểm quan trọng khi các đồng minh của Ukraine ở châu Âu và Mỹ đang đấu tranh để đảm bảo nguồn tài trợ, trong khi Nga tăng cường kho dự trữ vũ khí và củng cố lực lượng vũ trang.
Cùng lúc, tân Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đang trên đường tới Kiev để đưa ra cam kết hỗ trợ của Paris. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu sẽ tiếp người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov tại Paris vào tuần tới để thảo luận về việc củng cố năng lực pháo binh của Kiev.
Trái tim băng giá
Mỹ áp trừng phạt vụ chuyển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sang Nga; Mỹ mở cuộc điều tra an toàn với Boeing; Lầu Năm Góc điều tra vụ Bộ trưởng Quốc phòng Austin nhập viện... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 12-1.