Bên những bữa cơm đơn giản với cá kho, đậu hũ, canh rau, thậm chí là mì gói, những gương mặt lo toan lại bàn chuyện tiền nong, xoay xở để Tết đến không quá… hẻo. Mấy đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa ở miếng đất trống phía sau dãy trọ.
Ráng kiếm thêm
Men theo lối đi chỉ vừa một chiếc xe máy, phòng cuối cùng dãy trọ là của vợ chồng anh Nguyễn Văn Sáu (27 tuổi). Anh Sáu thở dài, cho biết đang tìm thêm công trình để xin vào phụ hồ được bữa nào hay bữa đó.
Vừa gọi xong cho số điện thoại từ một dòng tin đăng tuyển phụ hồ ở xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), anh nói: "Mấy bữa nay tôi dò dò để tìm việc làm. Nửa năm trước tôi mua trả góp chiếc xe máy nên ráng cày để trả cho xong".
Căn phòng trọ chật chội với căn gác chỉ vừa hai chiếc chiếu nhưng là chỗ ở của hai vợ chồng, hai cô con gái và gần đây cha của anh Sáu cũng về ở chung. Con gái lớn đang học lớp một với tiền học luôn chi phí bán trú mỗi tháng cũng 2 - 3 triệu đồng, thêm tiền trọ của cả gia đình hơn 2 triệu đồng/tháng, thế nên hai vợ chồng luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau.
Vợ anh Sáu đi làm được gần 5 triệu đồng/tháng, cuối tháng hết tiền lại mượn đỡ những phòng trọ kế bên để chi tiêu.
22h, nơi vỉa hè gần chợ Tân Định (quận 1), ông Lê Văn Ngà (72 tuổi) vẫn ngồi ngóng ra đường. Phía bên kia đường, từng nhóm khách đang ngồi ăn hủ tiếu, ăn chè đêm. Khung cảnh trái ngược vẻ đìu hiu bên này, khi những cửa tiệm đã đóng cửa. Ông đang trông có khách nào ngoắc mình chở thêm cuốc xích lô không. Gần nửa thế kỷ hành nghề, ông cho biết Tết năm nay coi bộ eo sèo hơn mọi năm.
Có khi cả ngày, ông Ngà chỉ chạy được 3 - 4 cuốc xe. Sáng nào ông cũng sẵn sàng chờ khách từ 8h, tối lại lấy đường phố làm nhà. "Mà toàn là mấy cuốc chở người đi chợ về nhà ở gần đây, mỗi cuốc chừng 15.000 - 20.000 đồng thôi. Thôi kệ, có khách là mừng rồi", ông cười móm mém. Những ngày cuối năm, ông nói người ta đi chợ cũng nhiều hơn, hi vọng mấy bữa sát Tết sẽ thêm nhiều khách đi xích lô.
"Cuối năm người ta cũng thương, người lì xì, cho bánh. Mấy ngày Tết thì tôi đạp lên khu trung tâm quận 1 chỗ nhà thờ Đức Bà để kiếm khách. May tôi không bệnh hoạn gì hết, chỉ có con mắt phải không thấy đường nhiều năm rồi", ông tâm sự. Ông còn kể, có khi khách nhờ ông chở tuốt lên Củ Chi hoặc đi Vũng Tàu, đi về hơn 3 tiếng. Mỗi lần như vậy, ông lại được khách bo tiền trăm.
"Xích lô cũng đa năng nghe. Tôi từng chở một cái tủ lạnh cho người ta về tuốt dưới Long An. Tôi không sợ đạp xe cực vì mình còn khoẻ mà, chỉ sợ ế khách thôi", ông bộc bạch.
Những ngày này, câu chuyện mà chị Phan Thị Tình (32 tuổi, công nhân ngành giày da xuất khẩu tại khu chế xuất Linh Trung 2, TP.Thủ Đức) cùng nhiều đồng nghiệp sống ở hẻm trọ tại phường Bình Chiểu khi trao đổi với nhau thường là về tình hình công việc, thưởng Tết ra sao, Tết này có về quê hay ở lại kiếm việc thời vụ làm.
Chị Tình kể mình may mắn không nằm trong diện cắt giảm lao động, song mấy tháng nay hiếm khi được tăng ca do không có đơn hàng nhiều. Do đó, thu nhập của chị tính luôn lương cứng và phụ cấp chỉ trên dưới 7 triệu đồng. "Năm nay chưa nghe thông báo gì về thưởng Tết, tôi cũng không biết có hay không", chị tâm sự.
Cô công nhân quê Hà Tĩnh chỉ mong có chút tiền thưởng thì may ra mới có thể về quê ăn Tết. Bởi nếu không, chị sợ mình khó có thể mua nổi vé tàu hỏa (khứ hồi), chưa kể các chi phí khác.
Dành dụm tiền xe về quê
May mắn hơn so với ông Ngà và vợ chồng anh Sáu, chị Bùi Thị Trang (34 tuổi, quê huyện An Biên, Kiên Giang) đến giờ vẫn được đi làm mỗi ngày.
Làm công nhân tại một công ty xuất khẩu thực phẩm đông lạnh ở quận 7, chị Trang nói mình may mắn khi đến giờ vẫn được đi làm và tăng ca, trong khi nhiều người thân của chị là công nhân những ngành hàng khác đã phải về quê do mất việc làm cuối năm.
"Mỗi tuần tôi tăng ca ba ngày, mỗi ngày chừng 2 - 3 tiếng, nếu hàng nhiều cần phải làm thì một tháng làm thêm hai cái chủ nhật. Hồi cách đây hơn nửa năm tôi cũng bị cho tạm nghỉ nửa tháng vì công ty không có đơn hàng, nhưng giờ thì làm đều rồi", chị nói và cho biết lương cơ bản mỗi tháng 5 triệu đồng, nếu tăng ca thì thu nhập khoảng 9 - 10 triệu đồng.
"Năm nay công ty chưa thông báo kế hoạch thưởng Tết, nhưng mọi năm là có nên tôi cũng đang chờ đợi", chị cho hay.
Chồng chị Trang vừa mới tìm được việc là tài xế xe công nghệ chưa được một tháng. Cuối năm, nhận thấy nhu cầu đặt xe công nghệ của khách hàng khá cao, anh cũng tranh thủ cày những cuốc xe, nhất là vào mấy ngày lễ để phụ vợ lo tiền trọ, ăn uống và gửi về quê cho cô con gái đang học lớp 9.
Vợ chồng chị Trang cũng tiết kiệm tối đa để sửa lại căn nhà ở quê và chi tiêu trong những ngày Tết.
Trong khi đó, vợ anh Sáu tâm sự dù Tết thì có đủ thứ tiền phải chi, nhưng cũng cố gắng mua cho hai đứa con mỗi đứa một, hai bộ đồ, rồi thịt thà ăn mấy ngày Tết. Chị bảo với chồng ráng làm để cuối năm có mà xài.
Chị bộc bạch: "Vậy nên chúng tôi phải ráng sức dư dư tiền về xe đò. Cầu mong chồng tôi có công việc phụ hồ kín tuần, Tết khỏi lo thiếu hụt". Kế bên, cô con gái út 5 tuổi chỉ vào chiếc áo dài trẻ em màu đỏ sặc sỡ đang được livestream trên TikTok, hồn nhiên bảo "mẹ ơi mua cho con đi" khiến chị thêm chạnh lòng.
Với ông Ngà, ông nói ngày Tết người ta đi lại cũng nhiều, ngồi nhìn cũng đỡ buồn. Vợ đã mất cách đây 20 năm do bạo bệnh, cảnh nhà sau đó quá khó khăn, ông Ngà trở thành người vô gia cư. Tuy vậy, ông vẫn muốn tự lao động kiếm tiền, không dựa dẫm con cái. Nụ cười của người đàn ông ở độ tuổi xế chiều này luôn thường trực mỗi khi có ai hỏi chuyện.
Nhằm góp phần mang một cái Tết ấm áp đến với những người có hoàn cảnh khó khăn, Grab Việt Nam phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM triển khai chương trình "Cùng Grab đưa Tết đến từng con hẻm". Chương trình sẽ trao 1.000 phần quà Tết cho một số công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết, người khuyết tật, hộ nghèo trên địa bàn thành phố.
Kể từ ngày 12-01-2024 đến ngày 24-01-2024, với mỗi chuyến xe GrabCar, GrabBike hoặc đơn hàng GrabFood, GrabMart, GrabExpress được người dùng nhập mã TRAOTET, Grab Việt Nam sẽ đóng góp 5.000 đồng cho chương trình. Dự kiến, các phần quà sẽ được trao tận tay bà con vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2024.
Sáng 7-1, khoảng 10.000 người đã đi bộ đồng hành Vì sức khỏe người lao động "Triệu bước chân, một tấm lòng" gây quỹ hỗ trợ công nhân, người lao động tại TP.HCM.