vĐồng tin tức tài chính 365

Đạo thầy trò kỳ 1: Người trò 73 tuổi quỳ gối vấn an thầy

2024-01-13 12:06
Học trò Nguyễn Thiện Tống quỳ gối vấn an thầy Nguyễn Duy Khác - Ảnh: ÁI HỮU HÀM NGHI - Huế

Học trò Nguyễn Thiện Tống quỳ gối vấn an thầy Nguyễn Duy Khác - Ảnh: ÁI HỮU HÀM NGHI - Huế

Trong xã hội đang nhiều chuyện nhiễu nhương, xót xa về đạo thầy trò thì những câu chuyện cảm động này như dòng nước thanh mát tưới tắm tâm hồn, giúp người ta vững niềm tin về đạo lý, tình nghĩa thầy trò. Đó chính là rường cột dựng xây nhân cách cao đẹp của con người...

"Tôi quỳ xuống một cách tự nhiên như trong lòng mình đã có!"

Thầy là nhà giáo Nguyễn Duy Khác, cựu giáo sư và hiệu trưởng Trường trung học Hàm Nghi (Huế), tuổi đã ngoài 90. Trò là cựu học sinh Trường Hàm Nghi niên khóa 1958 - 1962 và là PGS.TS ngành kỹ thuật hàng không, cựu giảng viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM.

Thầy trò gặp nhau trong buổi họp mặt kỷ niệm 65 năm Trường trung học Hàm Nghi (Huế), do Ái hữu Hàm Nghi Huế - Sài Gòn tổ chức vào ngày 14-6-2020 tại TP.HCM. Đã ba năm rồi mà hình ảnh đó vẫn gây ấn tượng sâu đậm trong nhiều người.

Trường trung học Hàm Nghi thành lập năm 1955, là trường trung học công lập lớn nhất trong Thành nội Huế, tọa lạc tại nơi vốn là Trường Quốc Tử Giám triều Nguyễn.

Sau năm 1975, trường giải tán, nhưng thầy trò Trường Hàm Nghi vẫn đều đặn gặp nhau.

Vào thời điểm năm 2020, ngôi trường này đã ra đời 65 năm, nên thầy và trò đều tóc bạc như nhau.

Ngồi ở giữa hàng ghế đầu tại buổi lễ kỷ niệm là thầy giáo Nguyễn Duy Khác - cựu giáo sư môn sử địa và là vị hiệu trưởng cuối cùng của trường từ năm 1969 đến 1975.

Trò Nguyễn Thiện Tống đã từng được thầy Nguyễn Duy Khác dạy môn sử địa vào năm lớp đệ ngũ (lớp 8). Sau khi cung kính chào các thầy cô, trò Tống liền bước tới để thăm hỏi vị thầy cao niên nhất đang ngồi ở giữa hàng ghế đầu.

Vì thầy ngồi nên trò không thể đứng mà thăm hỏi thầy được, nếu đứng như vậy thì thật là vô lễ. Trò Tống liền quỳ xuống, cúi đầu chào thầy giáo, rồi thầy trò chuyện trò với nhau thật vui vẻ.

Một cựu sinh trường Hàm Nghi tình cờ chụp được hình ảnh đó rồi đưa lên trang mạng Ái hữu Hàm Nghi Huế - Sài Gòn. Ngay tức khắc, hình ảnh đó được rất nhiều người chia sẻ rồi lan tỏa ra khắp mạng xã hội.

"Thầy giáo đã già không thể đứng dậy, mà mình thì cũng không được phép đứng nói chuyện trong khi thầy đang ngồi. Vì vậy, rất tự nhiên, tôi quỳ xuống để thăm hỏi thầy mà không che khuất các thầy cô khác đang ngồi xung quanh - Trò Tống kể lại.

Từ nhỏ tôi đã được dạy như vậy trong ứng xử với người lớn tuổi, với thầy cô giáo, nên điều đó đã trở thành một phản xạ tự nhiên. Tôi quỳ xuống một cách tự nhiên như trong lòng mình đã có!".

Thầy và trò đều bạc tóc, nhưng thầy vẫn luôn lớn hơn trò. Trong ảnh là học trò Trần Cảnh Tú (bên trái) chào đón thầy Trần Văn Chai ngày họp mặt Nhớ ơn thầy cô của cựu học sinh Trường Hàm Nghi - Huế tại Sài Gòn vào năm 2023- Ảnh: ÁI HỮU HÀM NGHI - Huế

Thầy và trò đều bạc tóc, nhưng thầy vẫn luôn lớn hơn trò. Trong ảnh là học trò Trần Cảnh Tú (bên trái) chào đón thầy Trần Văn Chai ngày họp mặt Nhớ ơn thầy cô của cựu học sinh Trường Hàm Nghi - Huế tại Sài Gòn vào năm 2023- Ảnh: ÁI HỮU HÀM NGHI - Huế

Trò lớn tuổi, nhưng thầy vẫn lớn hơn trò

Một cung cách hành xử tự nhiên mà cao đẹp, hình ảnh đó đã tạo nên sự đồng cảm của rất nhiều người. Ngay bên dưới hình ảnh là những dòng bình luận đầy trân trọng. "Tấm ảnh anh Tống quỳ vấn an thầy thật quá ấn tượng.

Không chỉ với đồng môn Trường Hàm Nghi, mà nó còn được nhiều người biết đến, càng nể phục việc tôn sư trọng đạo của anh!" (cựu sinh Huệ Đặng). "Cái hay là dáng vẻ rất tự nhiên của anh ấy.

Em chắc chắn là có rất nhiều cựu học sinh Hàm Nghi - Huế cũng làm như anh Tống!" (cựu sinh Huu Lan Truong). "Cho dù mình có lớn tuổi đến đâu thì thầy của mình vẫn lớn hơn mình"...

Đọc những lời bình luận dưới tấm ảnh, chúng ta càng hiểu rõ căn nguyên để có được điều tốt đẹp đó. Cử chỉ lễ phép của một người 73 tuổi rất tự nhiên như là việc đi đứng ăn nói hằng ngày.

Nhưng đó là kết quả của bài học luân lý đạo đức được cha mẹ, thầy cô dạy bảo từ lúc còn nhỏ và làm gương cho học trò noi theo, rồi thực hành thường xuyên thì mới trở thành một cách hành xử lễ phép tự nhiên như vậy.

Hình ảnh vị giáo sư 73 tuổi quỳ gối vấn an thầy, cùng với câu chuyện của những cựu học sinh Trường Hàm Nghi đã thôi thúc tôi tìm hiểu vì sao mà những thế hệ học trò thuở đó đều lễ phép và tôn sư trọng đạo đến như vậy.

Ngay cả những cô cậu học trò nghịch, thậm chí ngang bướng, cũng không dám vô lễ với thầy cô. Những câu chuyện của thầy trò Trường Hàm Nghi một thuở được ghi lại đầy xúc động trong các tập san, kỷ yếu chẳng khác gì những bài học trong sách luân lý giáo khoa thư.

Trong bài "Trường cũ thầy xưa", Vĩnh Ba - cựu sinh Trường Hàm Nghi niên khóa 1961 - 1965, kể về thầy giáo Ngô Văn Giảng, tức nhạc sĩ Văn Giảng - Thông Đạt, tác giả các ca khúc nổi tiếng Ai về sông Tương, Từ Đàm quê hương tôi và một số bài hát thiếu nhi mang nội dung giáo dục đạo đức rất nhẹ nhàng mà đi vào lòng người bởi sự chân thật.

"Tình yêu Tổ quốc trong tôi lớn dần, âu cũng từ những tình cảm nho nhỏ như yêu thầy, yêu lớp, yêu quê nhà...".

Thầy cô, cha mẹ là tấm gương

Câu chuyện học trò ở Tuyên Quang chửi bới, uy hiếp, tấn công cô giáo đến ngất xỉu hôm đầu tháng 12-2023 đã khiến dư luận cả nước phẫn nộ và đau buồn. Thầy Nguyễn Thiện Tống cũng rất buồn và suy nghĩ nhiều.

Thầy nói: "Thầy cô cũng như cha mẹ. Cha mẹ có sai, con cái cũng không được hỗn hào. Thầy cô cũng có lúc sai. Học trò có quyền trao đổi lại, nhưng không được nói lời vô lễ. Một lời nói nặng nề cũng đã sai đạo học trò, huống hồ là chửi bới tấn công thầy cô".

Thầy Tống tâm sự những vụ thầy ép trò, trò chửi thầy đang diễn ra càng ngày càng nhiều. Đó không chỉ là sự xuống cấp của đạo thầy trò, mà là sự băng hoại của đạo làm người. Họ chưa làm được con người thì sao làm được người thầy, người trò?

Để chấn chỉnh tình trạng này, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, phải bắt đầu từ người lớn. Người lớn phải làm gương cho người nhỏ noi theo.

Trong nhà, cha mẹ sống tử tế với nhau thì con cái mới biết sống tử tế với người khác.

Trong trường học, thầy cô phải gương mẫu thì học trò mới kính nể mà noi theo. Ngoài xã hội, người lãnh đạo đàng hoàng thì dân chúng mới tôn trọng.

Trò đánh chửi thầy là sai cả lý lẫn tình, nhưng phải xem lại người thầy, phải chấn chỉnh từ người thầy và người chịu trách nhiệm cao nhất là thầy hiệu trưởng. Thầy không ra thầy thì trò chẳng ra trò.

"Đạo đức không thể nói suông mà phải thể hiện bằng việc làm cụ thể. Cha mẹ, thầy cô, người lớn phải làm cho trẻ làm theo. Từ nhỏ đã lễ phép thì lớn lên mới lễ độ, như một lẽ tự nhiên!", thầy Tống chia sẻ.

Có một câu chuyện về tôn sư trọng đạo mà thầy Nguyễn Duy Khác nhớ mãi khi thầy còn làm hiệu trưởng Trường Hàm Nghi - Huế. Lần đó, có một vị phụ huynh đến văn phòng xin thầy tha lỗi cho đứa con vi phạm kỷ luật của trường.

Với thái độ rất cung kính, ông ấy nói con phạm lỗi với thầy, nhưng lỗi chính là do mình dạy bảo con chưa đến nơi đến chốn. Ông xin nhận lỗi và hứa sẽ dạy bảo con đàng hoàng.

Khi vị phụ huynh ra về rồi, thầy Khác mới biết hóa ra ông này là vị có chức vụ khá cao. Ông không mặc sắc phục mà lại mặc áo dài đen, đội khăn đóng như nhiều phụ huynh thời bấy giờ.

"Cha mẹ gương mẫu như vậy thì thế nào con cái cũng nên người. Quan chức đàng hoàng thì làm sao dân chúng không kính trọng!", thầy Khác tâm sự.

--------------

"Thầy là người dạy tôi gói bánh chưng vào dịp Tết, dạy ứng xử và nhiều điều khác trong cuộc sống thường ngày".

Kỳ tới: "Quang múa" và hành trình đến nghề thầy

Từ hình ảnh thầy Minh, rưng rưng nhớ thầy cô mìnhTừ hình ảnh thầy Minh, rưng rưng nhớ thầy cô mình

Đó là cảm giác chung của rất nhiều bạn đọc nhớ về thầy cô mình, trước hình ảnh xúc động của thầy Văn Đức Minh chia tay học trò trong buổi dạy cuối.

Xem thêm: mth.28283100031104202-yaht-na-nav-iog-yuq-iout-37-ort-iougn-1-yk-ort-yaht-oad/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đạo thầy trò kỳ 1: Người trò 73 tuổi quỳ gối vấn an thầy”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools